Những trách nhiệm pháp lý đặt ra khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo

(PLO)- Hội thảo quốc tế với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam" thu hút sự bàn luận sôi nổi của chuyên gia trong và ngoài nước. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về vấn đề này và thu hút đông đảo chuyên gia trong, ngoài nước.

Bà Lê Thị Hoàng Thanh
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị bàn về trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: H.YẾN

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng nhận thức rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những vấn đề pháp lý liên quan, ngày 26-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM mở đầu hội thảo với quan điểm sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với quan điểm trí tuệ nhân tạo không phải là con người, do đó không nên thừa nhận tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo như con người. Theo Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, trí tuệ nhân tạo không phải là một thực thể sống, không có nhân tính con người. Bên cạnh đó, có thể sẽ có trường hợp con người lợi dụng trí tuệ nhân tạo để trốn tránh trách nhiệm nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ bác sĩ sử dụng robot để phẫu thuật cho bệnh nhân, nếu xảy ra sai sót dẫn đến thiệt hại chết người thì việc buộc trí tuệ nhân tạo phải chịu trách nhiệm duy nhất là điều vô lý.

Theo ông Hải, các nhà làm luật có thể xem xét xây dựng địa vị pháp lý cho trí tuệ nhân tạo với tư cách tương tự pháp nhân, bởi pháp nhân dù có tư cách pháp lý nhưng vẫn hoạt động thông qua chủ thể là con người. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể quy định buộc chủ sở hữu phải tiến hành đăng ký xác định tư cách pháp nhân cho trí tuệ nhân tạo với cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, trí tuệ nhân tạo sẽ có địa vị pháp lý và có thể tham gia xác lập các giao dịch nhất định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM góp ý nên ưu tiên xây dựng khung pháp lý trong việc xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các bài nghiên cứu và thảo luận hội thảo đã mở ra những cơ hội để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, vấn đề pháp lý này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm