Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tính đến thời điểm hiện tại Bộ đã nhận được nhiều văn bản của các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi và xét tuyển chính quy cho năm 2017 và các năm tiếp theo.
Thống kê sơ bộ cho biết nhiều sở GD&ĐT muốn tự chủ trong việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn lại các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ trong việc tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo đề thi cần nghiên cứu lại cách ra đề đối với các môn thi có 100% câu hỏi là trắc nghiệm bởi có những câu hỏi thí sinh chỉ cần khoanh bừa cũng có thể đúng, điều này ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Tốt nghiệp THPT nên trả về cho sở GD&ĐT
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng thi tốt nghiệp THPT cần được trả về cho các sở giáo dục là hoàn toàn đúng. Bởi vì sở GD&ĐT là đơn vị xuyên suốt 12 năm quản lý giáo dục, đào tạo học sinh nên các sở và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.
Theo ông Nhĩ, trong dự thảo phương án năm nay thì cách thức ra đề thi dự kiến theo các dạng bài thi tổng hợp. Trong đó, ba bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; hai bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, thí sinh cũng chỉ phải thi trong hai ngày, không kéo dài thời gian, đỡ tốn kém cho xã hội.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Phi Hùng
Ngoài ra, sau khi kỳ thi kết thúc, các trường ĐH cần lập phương án xét tuyển. Nếu có thể các trường nên cân nhắc, xem xét chọn lựa thí sinh cho phù hợp với ngành nghề. Ví dụ như một thí sinh xét tuyển vào ngành y với tổng ba môn đạt được là 25 điểm nhưng điểm của môn sinh, môn hóa thấp. Trong khi đó thí sinh khác được 23 điểm nhưng điểm môn sinh, môn hóa lại cao thì trường vẫn có thể lựa chọn thí sinh 23 điểm vì những môn đó phù hợp với ngành y. “Đây là quyền của các trường để làm sao cho lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo” - ông Nhĩ chia sẻ.
Ông Nhĩ khẳng định hai năm vừa qua phương án thi ba môn bắt buộc, một môn tự chọn đã khuyến khích thí sinh học lệch, hậu quả là làm giảm chất lượng giáo dục, đây là một tồn tại phải khắc phục. “Theo tôi, phương án dự thảo 2017 này là tốt, nhiều người nghĩ tại sao lại thay đổi. Bởi vì trước đây thay đổi không đúng hướng, bây giờ mình lái lại cho đúng hướng” - ông Nhĩ nói.
Giao tự chủ tuyển sinh cho trường đại học
Bên cạnh đó, theo ông Nhĩ Bộ GD&ĐT phải là người có trách nhiệm ra đề thi để đảm bảo mặt bằng thi chung thống nhất cả nước, để từ đó các sở GD&ĐT căn cứ vào đó ra đề thi. Khi có nguyên liệu rồi, các trường ĐH tự chủ trong vấn đề tuyển sinh cần lập phương án tuyển sinh. Sau đó Bộ căn cứ vào thị trường lao động, khả năng của các trường để giao chỉ tiêu một cách thích hợp chứ không phải giao chỉ tiêu như trước đây là căn cứ vào việc trường có bao nhiêu cán bộ, có khả năng tuyển được bao nhiêu chỉ tiêu…
Vai trò của Bộ là phải điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp với thị trường lao động. Các trường lập phương án, Bộ phải cân nhắc phương án giao chỉ tiêu cho các trường một cách thích hợp, phải quy định điểm thích hợp cho từng loại trường một, nếu làm được như vậy thì việc tuyển sinh sẽ không có gì vướng mắc.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng nêu quan điểm: Thi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường ĐH, CĐ là khác nhau. Các trường có quyền tự chủ về tuyển sinh và học thuật, do đó phải để cho các trường được tự chủ. Khi quay trở lại kỳ thi ĐH, CĐ như trước đây cần có điều chỉnh, không nhất thiết trường nào cũng phải tổ chức thi, có những trường chỉ thực hiện xét tuyển dựa vào học bạ và kết quả thi THPT. Như vậy, kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn so với việc tổ chức thi ĐH, CĐ.
Bộ GD&ĐT nên chấm dứt việc thi chung. Bởi vì cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo không thể quanh năm đứng ra tổ chức kỳ thi như vậy, đó là việc của các cơ sở. Do vậy, Bộ phải giao lại kỳ thi THPT cho các sở GD&ĐT tự tổ chức và tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo công bằng. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ thì giao cho các trường tự lo. Bộ GD&ĐT chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát chất lượng. GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Việc đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương là đúng chức năng, nhiệm vụ của các sở GD&ĐT là làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp. Bằng tốt nghiệp của học sinh là kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, đồng thời làm giấy thông hành cho các em trước khi thi ĐH, đi học nghề, đi lao động hoặc làm các công việc khác trong xã hội. GS-TS BÀNH TIẾN LONG, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |