Trả tiền cáp có gồm tiền tác quyền âm nhạc?

Nhiều người bình luận thể hiện lo lắng về các khoản tiền. Gia đình trả tiền truyền hình cáp hàng tháng, có phải trả thêm tiền tác quyền âm nhạc không?

Cá nhân, hộ gia đình không phải trả thêm tác quyền

Vậy phải xem lại hợp đồng truyền hình của chính mình. Ví dụ Hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu. Trong đó có quy định khách hàng “sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định của Hợp đồng và quy định pháp luật có liên quan. Chỉ sử dụng thiết bị thu để xem các kênh chương trình trong gói dịch vụ… cho mục đích cá nhân, tại nhà”.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) cũng quy định khách hàng “chỉ được sử dụng Thiết bị và thuê bao cho mục đích sử dụng cá nhân, tại nhà”.

Hầu hết các hợp đồng của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đều quy định tương tự, rõ ràng là “sử dụng cá nhân, tại nhà”.

Các hợp đồng là căn cứ pháp lý để người dùng cá nhân, gia đình không phải trả thêm tiền tác quyền âm nhạc cho các chương trình truyền hình đã mua dịch vụ. Người dùng đã trả đầy đủ tiền dịch vụ để được xem các kênh truyền hình trong gói dịch vụ đó.

Đương nhiên, dù không mở ti vi cả tháng, hoặc mở rất ít, thì vẫn phải đóng trọn tiền thuê bao tháng. Đâu có được bớt đi đồng nào!

Chuyển mục đích, kinh doanh thì sao?

Hầu hết các hợp đồng dịch vụ truyền hình đều không cho phép khách hàng dùng sai mục đích. Với hợp đồng dùng cho cá nhân, hộ gia đình thì chỉ dùng mục đích cá nhân, hộ gia đình.

Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) quy định rõ trong hợp đồng. Khách hàng “không được lấy, một phần hoặc toàn bộ, các thông tin từ các kênh… để phục vụ mục đích kinh doanh, tiếp phát đến các nơi công cộng…”.

Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) thì quy định “không được sử dụng thông tin từ hệ thống truyền hình cáp SCTV để kinh doanh, in sang, sao chép, phát hành…”. Được quyền kiểm tra việc sử dụng Dịch vụ truyền hình cáp liên quan đến quy định của Nhà nước và của Công ty SCTV. Trường hợp Bên A sử dụng dịch vụ truyền hình cáp vào các hoạt động có mục đích gây rối, phá hoại an ninh quốc gia hoặc kinh doanh bất hợp pháp thì Công ty SCTV đơn phương hủy bỏ Hợp đồng, đồng thời có thể đề nghị truy tố Bên A trước pháp luật.

Hợp đồng VTV Cab thì nói rõ khách hàng muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ hộ gia đình sang kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ… thì phải yêu cầu bằng văn bản để giải quyết.

“Mềm nắn, rắn buông”

Theo VCPMC, “đại đa số các kênh truyền hình Việt Nam đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với Trung tâm và hàng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để Trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả”.

Trong bài toán tiền truyền hình, tiền tác quyền âm nhạc … thì cái khó của VCPMC là không thu được thêm từ nhà đài hay nhà cáp.

Thế nhưng, trong mối quan hệ với các nhà kinh doanh, cụ thể như phòng trà, quán cà phê, cao ốc, khách sạn, resort… thì VCPMC lại có ưu thế hơn. Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, khách sạn phải “xin phép” và “trả tiền”. Trả bao nhiêu tiền thì hai bên còn thương lượng. Nhưng không ưng giá thì VCPMC có thể không cho phép!

Nhà đài, nhà cáp có liên quan?

Đến nay, chưa có khách sạn nào trưng ra hợp đồng cho phép khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Một bạn đọc comment trên PLO “Lúc nhà cáp đến lắp cáp không biết đấy là khách sạn hay sao mà lắp cáp? Lắp cáp cho 100 ti vi ở 100 căn phòng khác nhau mà quy định chỉ cho cá nhân một mình ông chủ khách sạn xem thôi sao?”.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội SHTT TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, khẳng định nếu nhà cung cấp dịch vụ truyền hình mà cho phép khách hàng dùng chương trình truyền hình (mà trong đó có âm nhạc) vào kinh doanh là sai.

Ông phân tích: tiền tác quyền mà các nhà đài xin phép sử dụng và trả cho nhạc sĩ chỉ để phục vụ cho người sử dụng cuối cùng, người xem, người nghe. Những người xem, nghe này không phải trả thêm tiền tác quyền âm nhạc.

Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, nhạc sĩ có “độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện” quyền tài sản. Các nhạc sĩ chưa cho phép người khác dùng âm nhạc của họ vào kinh doanh. Nhạc sĩ cũng không cho nhà đài cái quyền để nhà đài cho phép bên thứ ba đưa âm nhạc của mình vào mục đích kinh doanh.

Vấn đề của các khách sạn, nếu có hợp đồng dùng nội dung vào kinh doanh, thì truy nhà cáp để đòi “thối tiền”. Còn hợp đồng “không cho kinh doanh” trong khi kinh doanh khách sạn, thì khách sạn có tới hai cái sai!

 

Vài con số… bớt sốc

Mức thu 25.000 đồng/tivi/năm là cao hay thấp? Thử so sánh một vài số liệu khác. Mức thu một nhà hàng có 50 chỗ ngồi (bất kế đủ 50 khách hay ế khách) là 3,5 triệu đồng/năm nếu dùng nhạc thu sẵn, 6 triệu đồng/năm nếu dùng nhạc sống. Chưa hết, mỗi ghế tăng thêm sẽ thu 52.000 đồng/năm.

Sảnh, hàng lang khách sạn, nhà hàng, cao ốc… trả 1 triệu đồng/năm nếu dưới 200 mét vuông. Mỗi mét vuông thêm sẽ trả thêm 4.000 đồng/năm.

Với các nhà đài thì mức thu có nhiều loại. Ví dụ nhạc hiệu chương trình là 2 triệu đồng/tác phẩm/kênh; nhạc hiệu kênh là 5 triệu/tác phẩm/kênh.

Âm nhạc trên các trang mạng cũng tính tiền theo lượt tải nhạc…

Nghe hay không nghe, thấy hay thấy dở... là quyền của người nghe, khách hàng. Dù khách nghe ít, nghe nhiều thì người kinh doanh vẫn phải trả đủ tiền!


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm