Một trong những thách thức lớn nhất của tỉnh Trà Vinh khi triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là thay đổi thói quen khai thác lâu đời của ngư dân.
Nhiều người dân ban đầu chưa hiểu rõ quy định pháp luật, dẫn đến tình trạng khai thác sai vùng. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền và vận động liên tục, nhận thức của bà con đã cải thiện rõ rệt.
Chính quyền sát cánh cùng ngư dân
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết từ trước đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Đây là kết quả từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, quản lý và kiểm tra.
Cụ thể, Thiếu tá Châu Vinh Quan, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Long Vĩnh (Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh), cho biết đồn duy trì nghiêm ngặt công tác kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng Rạch Cỏ, Động Cao và Tổ công tác Định An; kiểm tra hơn 5.751 lượt phương tiện và 32.647 lượt người.
“Nhờ mô hình tiêu biểu là “Truyền thanh pháp luật di động” mà ngư dân nắm bắt kịp thời các quy định về khai thác thủy sản. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khai thác theo tập quán cũ cần nhắc nhở, xử lý” - ông Quan nói.
Theo ông Quan, thời gian tới, Đồn biên phòng Long Vĩnh tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tàu cá, đảm bảo tuân thủ quy định về IUU; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng; giám sát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá dài hơn 15 m.
“Từ trước đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.”
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh
Đồn biên phòng Long Vĩnh sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền đến ngư dân và người dân vùng biên giới biển. Đồng thời nắm chắc diễn biến khí hậu, thời tiết và các vấn đề trên địa bàn để kịp thời tham mưu, giải quyết vụ việc hiệu quả.
Trong công tác phòng, chống khai thác IUU, nhiều ngư dân tại Trà Vinh đã ý thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định.
Nỗ lực xử lý tàu cá “ba không”
Trên địa bàn Trà Vinh hiện còn hơn 400 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Theo ông Nguyễn Văn Ngon, Trưởng phòng Kiểm ngư tỉnh Trà Vinh, đến nay các đơn vị liên quan đã tổ chức đăng kiểm, cấp phép cho phần lớn số tàu này.
Một số ít tàu còn lại đang được lực lượng chức năng trực tiếp làm việc với chủ tàu, yêu cầu cam kết đăng ký dứt điểm.
Ngư dân Nguyễn Văn Nhi, vừa trở về từ chuyến săn mực, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tuân thủ quy định vì biết rằng vi phạm vùng biển nước ngoài có thể bị tịch thu tài sản. Mặc dù sản lượng đánh bắt có giảm nhưng việc tuân thủ pháp luật vẫn là ưu tiên hàng đầu”.
Cũng như ông Nhi, ngư dân Trần Ngọc Tín, chủ tàu khai thác xa bờ, khẳng định: “Các lực lượng chức năng, như biên phòng luôn hỗ trợ rất nhiệt tình khi chúng tôi gặp khó khăn về giấy tờ và thủ tục. Điều này giúp chúng tôi yên tâm hơn khi ra khơi”.
Tháo gỡ nút thắt cơ sở hạ tầng, nhân lực
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 1.120 tàu cá đã đăng ký, trong đó 271 tàu dài từ 15 m trở lên và 849 tàu dưới 15 m. Đồng thời, 1.100 tàu đủ điều kiện đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản và 248 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỉ lệ 100%.
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cũng đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu 100% tàu cá lên hệ thống VNFishbase.
Nhằm đảm bảo việc giám sát, tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã xử phạt 44 vụ vi phạm hành chính, với số tiền hơn 576 triệu đồng.
Dù đạt được những kết quả tích cực, tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là về hạ tầng. Hệ thống cảng cá hiện nay chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn loại 1, gây khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng.
Chuyển đổi nghề: Giải pháp lâu dài
Nhằm giảm áp lực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh đang xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đặc biệt, chính quyền tập trung phát triển các ngành nghề mới như nuôi trồng thủy sản và tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, cho biết người dân địa phương chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
“Xã hiện có gần 190 tàu khai thác, đa phần là khai thác ven bờ. Do nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, một số ngư dân đã chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác. Nhà nước cũng đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển sinh kế bền vững” - ông Tâm cho hay.
Đặc biệt, theo Quy hoạch Điện VIII về ưu tiên việc phát triển năng lượng tái tạo, ông Tâm cho biết hiện nay, xã đang triển khai giải phóng mặt bằng cho hai dự án năng lượng sạch và một dự án hydro xanh. Các dự án này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương, hỗ trợ quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của ngư dân.
Ông Trần Công Đức, Tổ trưởng Tổ hội nghề cá tỉnh Trà Vinh, chia sẻ trước đây, ngư dân chủ yếu khai thác theo phương pháp truyền thống nhưng giờ phương tiện không đáp ứng được yêu cầu khai thác xa bờ. Nguồn thủy sản cạn kiệt, muốn chuyển đổi nghề thì lại không có vốn và lo ngại hiệu quả kinh tế.
“Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn để ngư dân chuyển đổi nghề hiệu quả” - ông Đức mong mỏi. HẢI DƯƠNG
Ngoài ra, tàu kiểm ngư của tỉnh (trang bị từ năm 2001) đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đủ khả năng hoạt động hiệu quả trong điều kiện biển xa hoặc thời tiết bất lợi. Điều này khiến công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt tại vùng lộng, gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, Trà Vinh không có trung tâm đăng kiểm tàu cá trên 12 m, buộc phải nhờ đến sự hỗ trợ từ các tỉnh khác, dẫn đến việc đăng kiểm chậm trễ và chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Ngon, Trưởng phòng Kiểm ngư tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để đóng mới tàu kiểm ngư, đáp ứng nhu cầu tuần tra và kiểm soát tại tuyến lộng…•
Hôm nay, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Trà Vinh
Hôm nay (29-11), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến Trà Vinh cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Trà Vinh là địa phương có biển thứ 19 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.
Đồng hành cùng chương trình lần này, về phía Trung ương, có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Về phía báo Pháp Luật TP.HCM, có sự tham dự của đại diện Ban Biên tập báo.
Đặc biệt, chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, các cơ quan chức năng và đông đảo bà con ngư dân.
Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực tại Trà Vinh.
Cụ thể, Ban Tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tặng 100 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá 7 triệu đồng), gồm: Bình ắc-quy + bóng đèn LED + túi thuốc + hộp combo pin Con Ó + cuộn dây thừng chuyên dụng + một cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” (do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên) + bình lọc nước và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng (mỗi suất gồm 2 triệu đồng và một bộ dụng cụ học tập) cho con em của các gia đình ngư dân hiếu học.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã được tổ chức tại 18 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Cà Mau với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.
BAN TỔ CHỨC
Lời cảm ơn
Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:
Công ty Cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam (PINACO)
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần
Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm
Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam
Tập đoàn Sungroup
Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH một thành viên
… và một số đơn vị tài trợ khác.