Trách nhiệm của tổ chức công chứng khi hợp đồng tặng cho bị hủy

(PLO)- Hợp đồng tặng cho đất bị hủy vì lỗi của tổ chức công chứng; người được tặng cho đất kiện đòi bồi thường nhưng tòa cho rằng chưa có thiệt hại nên bác yêu cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản giữa nguyên đơn là ông PSP và bị đơn là một văn phòng công chứng (VPCC) ở Cần Thơ.

Kiện công chứng vì hợp đồng tặng cho bị hủy

Năm 2018, ông P đến VPCC nộp hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng tặng cho đất giữa ông bà nội của ông và ông. Sau khi VPCC chứng nhận hợp đồng, ông P đã đi làm thủ tục sang tên và được ủy ban cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau đó ông nội của ông P đã đi kiện để hủy hợp đồng tặng cho này với lý do “bị lừa dối”.

dad5.jpg

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên hợp đồng tặng cho vô hiệu về hình thức và nội dung; buộc ông P sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại cho hộ của ông nội ông P. Cả hai cấp tòa đều xác định lỗi thuộc về VPCC.

Thấy việc hủy hợp đồng tặng cho gây thiệt hại nên ông P đi kiện, đề nghị tòa buộc VPCC bồi thường chi phí công chứng, án phí, thi hành án, giá trị hai thửa đất, tổng cộng gần 2,935 tỉ đồng.

VPCC thừa nhận một phần lỗi trong quá trình công chứng như việc công chứng viên không có mặt khi ký hợp đồng tặng cho…

VPCC tự nguyện hỗ trợ 146,4 triệu đồng do lỗi nêu trên; đồng thời chỉ đồng ý bồi thường 3,6 triệu đồng cho những khoản bao gồm phí công chứng, án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ (2,4 triệu đồng).

Về việc ông P đòi bồi thường giá trị đất hơn 2,93 tỉ đồng, VPCC không chấp nhận yêu cầu này vì đây không phải là số tiền thiệt hại của ông P.

Không có thiệt hại, không được bồi thường

Xử sơ thẩm, TAND huyện Phong Điền đã bác yêu cầu của ông P; ghi nhận sự tự nguyện của VPCC trong việc bồi thường 3,6 triệu đồng và hỗ trợ 146,4 triệu đồng. Sau đó, ông P kháng cáo.

Sau khi xét xử, tòa phúc thẩm nhận định: Việc hợp đồng tặng cho đất bị hủy, tòa án đã xác định lỗi của VPCC thực hiện công chứng không đúng quy định.

Tòa cho rằng hơp đồng tặng cho đất được công chứng nêu trên không phải là hợp đồng tặng cho có điều kiện; bên được tặng cho tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ nào với bên tặng cho khi thực hiện hợp đồng.

Từ khi ký hợp đồng tặng cho đất từ hộ ông nội ông P sang ông P; rồi ông P được cấp giấy chứng nhận, cho đến ngày tòa thụ lý vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, ông P chưa thực hiện bất kỳ giao dịch liên quan nào đến quyền sử dụng đất nêu trên, không canh tác hay xây dựng gì trên đất. Ông P cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh có thiệt hại.

Do hợp đồng tặng cho bị hủy và quyền sử dụng đất được chuyển tên lại cho hộ ông nội của ông P không phát sinh thiệt hại về tài sản đối với ông P nên việc ông yêu cầu bồi thường giá trị hai thửa đất là không có cơ sở.

Từ đó, tòa bác kháng cáo của ông P, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phán quyết của tòa là hợp tình, hợp lý

Căn cứ Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS khi có đầy đủ các yếu tố: Có hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác…; có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi vi phạm.

Trong vụ việc trên, yếu tố lỗi khi sai sót về nghiệp vụ là có thật. Tuy nhiên, ngoài các chi phí liên quan việc công chứng và các phí, lệ phí sang tên, cập nhật biến động… thì chưa phát sinh các hậu quả trực tiếp và thiệt hại thực tế vẫn chưa xảy ra. Do đó, việc tòa án xác định không có cơ sở để giải quyết yêu cầu bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Phán quyết của tòa là hợp tình, hợp lý.

Luật sư LÊ NGÔ TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm