Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 thấp hơn mức 6,81% của năm 2012. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên để hết trách nhiệm này lên vai NHNN.
CPI tăng vì có yếu tố bất thường
PGS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định: “Tổng cục Thống kê vừa thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,25% so với tháng 12-2012. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2012, CPI tháng 1 đã tăng 0,25%. Nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng lạm phát tăng cao trở lại là rất lớn. Trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm đến 40% nên CPI chịu tác động rất lớn từ sự thất thường của nhóm hàng này”.
Bởi vậy theo ông Ngân, nếu chỉ giao cho NHNN kiềm chế lạm phát thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm của cả Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng trách nhiệm kiểm soát lạm phát là của toàn ngành kinh tế. “Nếu giá xăng dầu lên, giá điện tăng… thì NHNN làm được gì? Tất nhiên lạm phát còn do yếu tố tiền tệ nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tín dụng có tăng được đâu mà do tiền tệ?” - ông Doanh nói.
Trường hợp giá trứng gia cầm tăng đột biến vừa qua là một bài học thiết thực trong việc kiểm soát giá cả trên thị trường. Ảnh: HTD
Thế nhưng việc CPI tăng, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chưa phải là điều đáng ngại. Vì CPI tháng Giêng còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch vụ y tế. Riêng nhóm này đã tăng đến 7% trong tháng 1, chiếm 1/3 tổng CPI của tháng. “Nếu trừ đi yếu tố bất thường này thì CPI của tháng 1 chỉ tăng khoảng 0,8% mà thôi. Vì thế nói lạm phát sẽ cao trở lại là chưa chính xác hoàn toàn. Những gì có tính chất bất thường không thể gọi là xu hướng và dịch vụ y tế vừa qua cũng là một vấn đề bất thường” - ông phân tích. “Chưa kể khoảng thời gian này là tháng cận tết, chi phí giao thông vận tải tăng cũng tác động đến nhóm này” - ông nói thêm.
Nhiều mặt hàng đang bị làm giá
Mặc dù vậy, lạm phát vốn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ giá cả. Do đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, muốn CPI ổn định phải điều hành giá cả dịch vụ thật tốt, đặc biệt là giá cả dịch vụ ở các địa phương.
Bên cạnh đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng cho biết có nhiều mặt hàng đang bị tư thương làm giá. Sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng vốn phải qua rất nhiều khâu trung gian, từ đó giá bị “thổi” lên cao. “Thật khó chấp nhận được khi một nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng giá rau, quả, thực phẩm lại thường biến động phức tạp” - ông nhận định.
Và theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được giá cả thì cả xã hội phải trả giá, đã có bài học nhãn tiền từ trường hợp giá trứng gia cầm vừa qua và tiếp theo có thể là giá rau, củ quả…
Mặt khác, theo ông Lê Đăng Doanh, hiện nay chúng ta vẫn bất lực trong việc quản lý một số doanh nghiệp có vị thế lớn, chiếm lĩnh thị trường xăng dầu, điện… vốn có tác động không nhỏ đến nền kinh tế.
Trước mắt, theo ông Trần Hoàng Ngân, chúng ta nên khuyến cáo người dân khi thấy nơi nào bán hàng giá cao thì tìm những nơi bán giá thấp hơn nhưng phải uy tín để mua. Nhưng về lâu dài thì các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ lại giá cả ở các chợ, hệ thống bán lẻ… “Nói chung là phải kiểm soát cho được khâu trung gian, có như thế mới ổn định được mục tiêu kiềm chế lạm phát” - ông Ngân kết luận.
Lạm phát 2013 sẽ cao hơn 2012 và dưới 10% Nhiều khả năng năm nay Chính phủ không thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%. Lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng đến mức 10%. Việc tăng giá điện cuối tháng 12 năm ngoái và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn sẽ góp phần vào mức tăng giá trong năm 2013. Kinh tế 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012, có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả năm đạt cao hơn 2012 nhưng không đáng kể (5,2%). Lạm phát năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2012. Tỉ giá USD sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của NHNN. Chính sách tiền tệ có thể tiếp tục được mở rộng một cách thận trọng để đạt được sự kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đề phòng lạm phát cao quay lại. Ngân sách chịu áp lực thâm hụt trong cả năm 2013 do thất thu từ thuế và giảm các khoản phải thu khác từ năm trước. Chính phủ sẽ phải tiếp tục trông cậy vào trái phiếu để tài trợ cho bội chi ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở khả năng giải quyết nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Về định hướng chính sách, năm 2013 Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra, cung ứng tín dụng giúp DN giảm chi phí, tăng sản lượng xuất khẩu, giảm tồn kho...; có thể phá giá nhẹ VND khoảng 3%-4% trong cả năm để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu… Theo nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - ĐH Quốc gia Hà Nội TRÀ PHƯƠNG |
YÊN TRANG