Trách nhiệm pháp lý vụ 3 cây sao đen trăm tuổi bị chết trên phố Lò Đúc

(PLO)- Người nào đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, nhiều người dân phản ánh về việc 3 cây sao đen trăm tuổi chết khô bất thường. Được biết 3 cây sao đen này đều án ngữ các nhà mới xây trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

cây-sao-đen.jpg
Cây sao đen trăm tuổi có dấu hiệu bị chết khô. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Phía UBND quận Hai Bà Trưng thì cho biết đã chỉ đạo công an phối hợp với Sở Xây dựng và chính quyền để kiểm tra làm rõ thông tin thì mới làm rõ được quy trình chặt hạ sao đen; có sự việc xây nhà mới thì cây chết hay không...

Sự việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên nhiều bạn đọc thắc mắc là nếu có ai đó xâm phạm làm những cây sao đen này bị chết thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?

TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) phân tích: Theo Điều 54 Nghị định số 16/2022 (quy định xử phạt về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa) thì hành vi “Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây” sẽ phạt tiền 20-30 triệu đồng. Lưu ý đây là mức phạt đối với tổ chức, còn đối với cá nhân sẽ bằng ½ mức phạt trên, tức từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

Còn đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây sẽ bị phạt cảnh cáo theo điểm a khoản 1 Điều 54 Nghị định 16/2022 nêu trên.

Theo TS Minh, gỗ sao đen là loại gỗ quý hiếm chất lượng và có giá thành cao, được xếp vào nhóm 2 theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26-11-1977 của Bộ Lâm nghiệp về phân loại các loại gỗ (được sửa đổi bởi Quyết định số 334-CNR ngày 10-5-1988).

Vì vậy, ở mức độ nặng hơn, việc huỷ hoại cây xanh đô thị cũng có thể bị xử lý theo chế tài hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 BLHS 2015, được sửa đổi năm 2017.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm