Trạm bơm "khủng" chống ngập, có hết ngập?

Trạm bơm "khủng" chống ngập, có hết ngập? ảnh 1
Trạm bơm khổng lồ được đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: T.T.D.
Đầu tháng 7-2012, trạm bơm chống ngập có công suất lớn nhất nước (64.000m3/giờ) và số vốn khổng lồ (18 triệu USD) sẽ đưa vào hoạt động tại TP.HCM. Liệu TP.HCM có hết ngập trong thời gian tới? Trạm bơm đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Đây là trạm bơm chống ngập nước cho bảy quận trung tâm TP gồm 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Theo đó, nước ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nước mưa và nước thải từ các hộ dân trong lưu vực kênh được kết nối vào tuyến cống bao dài 8,9km, đưa về trạm bơm để bơm ra sông Sài Gòn. Chỉ chống ngập khi mưaMột cán bộ của Công ty tư vấn quốc tế CDM (Hoa Kỳ) - đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát dự án trên - cho biết: “Trạm bơm nước được thiết kế khá đặc biệt với các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường. Ở trạm bơm đang chạy không tải (bơm nước vào trạm để vận hành máy), chúng tôi ghi nhận hệ thống lọc rác đã lấy loại rác có đường kính lớn hơn 2,5cm đưa vào xe rác. Phần nước thải còn lại được pha loãng với nước sông để bơm ngược trở ra sông Sài Gòn”.Theo ban quản lý dự án, các cơ quan nghiên cứu phân tích số liệu nước thải đã khẳng định chất lượng nước thải được bơm ra sông Sài Gòn không gây ảnh hưởng đến sự sinh tồn của thủy sinh vật ở sông này. Trạm bơm có 12 máy bơm nước (trong đó có hai máy dự phòng) khổng lồ đang chạy không tải. Cán bộ trạm bơm cho biết trạm được lắp đặt hệ thống khử mùi để không gây ô nhiễm môi trường cho cư dân ở xung quanh trạm bơm. Ông Phan Châu Thuận - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP - cho rằng mục tiêu của dự án là làm sạch nước thải. Sau khi trạm bơm đưa vào hoạt động thì công trình sẽ bít lại toàn bộ cống đang xả nước thải ra kênh. Toàn bộ nước thải của hàng triệu cư dân ở bảy quận trung tâm TP sẽ chảy theo gần 70km tuyến cống hộp đã lắp đặt trên 69 tuyến đường (thi công từ năm 2005 đến tháng 6-2012) và đổ vào tuyến cống bao (có đường kính 3m) dài 8,9km chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đưa nước thải về trạm bơm. Như vậy, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ còn tiếp nhận nước mưa và nước sông Sài Gòn nên cá sinh sống được.Tuyến cống bao dài 8,9km được thiết kế theo kiểu “bình nước thông nhau” để đưa nước về trạm bơm. Cống bao được lắp đặt ở đầu thượng lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giao lộ đường Út Tịch - Lê Bình, Q.Tân Bình) có độ sâu 4m trong lòng đất chạy dài đến trạm bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) có độ sâu đạt khoảng 40m. Như vậy, nước thải sẽ tự đổ về đây và trạm bơm chỉ còn việc bơm nước ra sông Sài Gòn. Tổng chi phí vận hành trạm bơm (gồm tiền điện, hóa chất, tiền lương công nhân...) này khoảng 1 triệu USD/năm. Ban quản lý dự án khẳng định nếu đưa trạm bơm có công suất 64.000m3/giờ vào hoạt động thì tình hình ngập nước ở khu vực bảy quận trung tâm TP sẽ được cải thiện. Trường hợp mưa quá lớn mà trạm bơm đã vận hành hết công suất nước mưa sẽ tràn qua 35 giếng xả tràn (được xây dựng dọc tuyến cống bao) để tự đổ nước ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Như vậy, hiện tại trạm bơm trên chủ yếu chống ngập khi trời mưa và bơm nước thải cho khu vực. Còn việc chống ngập do triều cường phải chờ một dự án chống ngập khác là dự án xây dựng cửa ngăn triều ở đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn giáp sông Sài Gòn) do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.
Trạm bơm "khủng" chống ngập, có hết ngập? ảnh 2
Sơ đồ trạm bơm đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Đây là trạm bơm chống ngập nước cho 7 quận trung tâm TP.HCM - Đồ họa: V Cường
Quá chậm trễBan quản lý dự án cho biết trạm bơm được khởi công xây dựng năm 2003 với vốn đầu tư hơn 18 triệu USD (do nhà thầu Hàn Quốc thi công) và có kế hoạch đưa vào vận hành năm 2010. Thế nhưng, đến tháng 7-2012 mới đưa trạm bơm vào vận hành là trễ hơn hai năm. Lý do vì trước đó nhà thầu Trung Quốc bỏ dở thi công lắp đặt tuyến cống băng dưới đáy sông Sài Gòn để kết nối với trạm bơm và ban quản lý dự án mất gần hai năm tìm nhà thầu mới - Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM mới thi công tiếp.Sau khi hoàn thành trạm bơm, dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 1 sẽ kết thúc ngày 30-6-2012. Tuy nhiên, để phát huy hết hiệu quả của trạm bơm (khâu xử lý nước thải) còn phải chờ triển khai giai đoạn 2 để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trong khi đó việc triển khai giai đoạn 2 của dự án này sẽ phải chờ thêm ít nhất hai năm nữa. Tại cuộc hội thảo về dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 vào đầu tháng 6-2012, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP - chủ đầu tư - cho biết dự kiến năm 2014 mới khởi công và năm 2019 hoàn thành giai đoạn 2 của dự án này. Kế hoạch giai đoạn 2 dự án vệ sinh môi trường TP sẽ xây dựng tuyến cống bao dài 8km (nối tiếp tuyến cống bao kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,9km) từ bờ sông Sài Gòn đến nhà máy xử lý nước thải (đặt ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) có công suất 480.000m3/ngày. Tổng kinh phí dự kiến là 470 triệu USD, trong đó 450 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới, phần còn lại là ngân sách đối ứng.Theo tiến sĩ Lê Long - chuyên gia về cấp thoát nước, việc thiết kế trạm bơm nước có công suất 64.000m3/giờ về cơ bản sẽ chống ngập nước cho khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1 đã được thiết kế cách đây hơn 10 năm, trong đó thiết kế cột mốc triều cường 1,33m và chưa tính đến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện nay, cột mốc triều cường đã cao hơn nhiều nên đang nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện việc chống ngập nước cho dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 1.

255 tỉ đồng xây dựng cửa ngăn triều cường

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cuối năm 2012 sẽ hoàn thành công trình xây dựng cửa ngăn triều cường ở đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn nối với sông Sài Gòn, Q.Bình Thạnh). Mục tiêu của công trình này là chống ngập nước triệt để do triều cường trên diện tích 500ha trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích 3.300ha: một số khu vực bị ngập nước nặng ở khu Văn Thánh gồm các tuyến đường D1, D2..., khu vực Thị Nghè gồm đường Phan Văn Hân, chợ Thị Nghè...

Theo NGỌC ẨN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm