Người Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc nói chung lại có một đêm mất ngủ, để được sống hết mình với Thủ đô đã được 1.000 năm tuổi.
Trời bắt đầu chuyển dần sang ngày mới. Nhiều người không đủ sức thức được với đêm Hà Nội đã chập chờn với giấc ngủ. Dọc vỉa hè các con đường diễn ra lễ diễu binh như Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Thi...., người đứng người nằm la liệt.
Vừa trông giấc cho vợ, cụ Đinh Văn Lâm vẫn nhìn đăm đăm về phía Tháp Rùa rực sáng. Lão nông 76 tuổi, quê Phố Nối, Hưng Yên bảo, đợt này ở quê đang vào đúng vụ gặt, công việc làm chẳng xuể nhưng ở nhà cũng không yên lòng, vì nhớ, vì thèm được lên Thủ đô “ngắm Đại lễ.”
Thế là, mặc cho con cháu, đứa đồng ý, đứa “nhảy dựng” lên vì lo hai cụ tuổi cao sức yếu, hai vợ chồng ông Lâm vẫn bắt xe khách lên Hà Nội. Chỉ vào tấm chiếu tả tơi lót tạm ngoài vỉa hè Bưu điện Hà Nội, ông Lâm hớn hở khoe, đấy là chỗ nghỉ của cả hai vợ chồng đã hai đêm nay.
“Nằm đây nhìn đường phố, nhìn lũ trẻ háo hức qua lại mình cũng thấy phấn khởi. Thế rồi, hai vợ chồng cũng quên cả ngủ, cứ nằm ôn lại chuyện xửa xưa đến sáng,” lão nông già cười hiền khô.
Cũng giống như cụ Lâm, rất nhiều người từ những miền quê xa xôi ra Hà Nội từ mấy ngày nay chỉ để được hòa mình vào giờ phút trọng đại sắp diễn ra. Khu vực bãi cỏ phía trước Hồ Hoàn Kiếm đã được “trưng dụng” thành những bãi nghỉ cho muôn người. Người gật gù ôm gối, người nằm nghiêng nghiêng chênh chao, chốc chốc lại giật mình. Có người, dựa hẳn lưng vào một gốc cây, mắt nhắm hờ, nhưng đã ngủ say đến độ có lay mấy cũng không dậy.
Trần Đức Hòa, sinh viên khoa Thông tin thư viện, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, vừa dụi mắt, vừa thành thật: “Ngày mai lên, sợ không có chỗ nên từ 10 giờ, mấy bạn trong lớp đã rủ nhau lên đây ngủ đêm để chờ Đại lễ.”
Nằm sát bên Hòa, chúng tôi cũng thấy, một cặp vợ chồng không biết từ vùng nào lên, áo quần bạc phếch, nón mê, túi dết vẫn đang chìm trong giấc ngủ. Thấy thế, Hòa cười xòa mà bảo, vì Đại lễ, nên tất cả bỗng rất gần gũi, như anh em ruột thịt trong nhà, nên cũng không thấy gì ngại ngần.
Nhiều người thậm chí còn sẵn sàng ngủ bờ ngủ bụi theo nghĩa đen để có thể dành được một chỗ trên con đường đoàn quân diễu binh sẽ đi qua. Tại ngã tư Hàng Bông – Điện Biên Phủ, hầu hết các vỉa hè đã đều được tận dụng để người dân khắp nơi trải chiếu nằm. Câu chuyện của họ cứ xoay quanh mãi về lễ diễu binh ngày mai, về những dự định sẽ làm sau Đại lễ.
Cùng hòa vào dòng người trắng đêm ngóng diễu binh, nhiều bạn trẻ lại chọn cho mình những cách riêng để “mơ” về Hà Nội ngàn năm.
Vừa chơi đàn, vừa nghêu ngao hát lớn bài “Tiếng đàn Chapi,” chàng thanh niên người Anh, Lee Kirby, khiến hàng chục bạn trẻ cũng hào hứng lập thành hàng dài đi bộ dọc khu vực Hồ Gươm.
Nhiều người mê giọng ca của chàng trai người nước ngoài cũng chẳng ngại hát lớn. Đêm Hồ Gươm, chỉ trong một chốc, đã biến thành đêm của những tấm lòng, những con người yêu tha thiết Hà Nội, không phân biệt màu da, quốc tịch.
Cứ thế, đêm trước Đại lễ, lúc trầm sâu trong những giấc mơ không rõ về Hà Nội, lúc ồn ào với bài hát vút cao giữa làn sương tháng Mười lãng đãng. Tất cả đang thao thức ngóng chờ Thủ đô trong lễ mừng sinh nhật tròn 1.000 năm tuổi.
Theo nhóm PV (Vietnam+)