Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử

Chương trình được tổ chức nhằm biểu dương lực lượng cùng những thành tựu to lớn của Hà Nội và đất nước qua 1.000 năm xây dựng, phát triển, vinh danh thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình. Chương trình mít-tinh, diễu binh, diễu hành còn thể hiện lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Chương trình buổi lễ gồm ba phần. Mở đầu phần mít-tinh là lễ rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa.

Tiếp đến là lễ chào cờ, cả quảng trường hát quốc ca, đồng thời bắn 21 loạt đại bác. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sau đó là tiết mục trình diễn bài hát ngợi ca Hà Nội do khối đứng của Hà Nội tại sân Quảng trường Ba Đình thể hiện.

12.000 người sẽ tham gia phần diễu binh với 16 khối đi, bảy khối đứng. Sự xuất hiện của 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” là một điểm nhấn thú vị của phần diễu binh. Khối Nghi trượng gồm: xe quốc huy, xe mang ảnh Bác và khối mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Hồng kỳ.

Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 1

Lực lượng đặc công trong đội hình khối diễu binh trong ngày tổng diễn tập. Ảnh: Trang Anh

Khối Hà Nội, khối đại diện các thành phần tiêu biểu và khối nghệ thuật sẽ tham gia phần diễu hành. Đặc biệt là màn rước bằng UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới của khối Hà Nội với sự hộ tống của 1.000 diễn viên diễu hành tiến qua khu vực Quảng trường Ba Đình.

Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành khép lại với màn thả bóng bay và bồ câu của 1.000 em thiếu nhi.

 Ðêm văn hóa nghệ thuật bế mạc đại lễ quy tụ hơn 10.000 người sẽ diễn ra tại sân vận động Mỹ Ðình (sức chứa trên 40.000 khán giả) vào 20 giờ tối 10-10.

Chương trình gồm 37 phân khúc dài 100 phút, tập trung vào các điểm nhấn lịch sử, các hình tượng văn hóa tâm linh của Thăng Long-Hà Nội như trâu vàng, rồng vàng, rùa vàng, ngựa trắng, hoa sen, hoa đào, hoa sữa, hoa mai, tháp Rùa, Khuê Văn Các.

Đêm thành phố rồng bay tái hiện những mốc lịch sử quan trọng từ tiền Thăng Long: An Dương Vương thay vua Hùng dựng nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa đến Thăng Long: vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010; tuyên cáo của hoàng đế Quang Trung, xuân Kỷ Dậu 1789; và Hà Nội: Tuyên ngôn độc lập 1945, đại thắng mùa xuân 1975...

Chiều qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc điều chỉnh một số cảnh trong kịch bản Đêm hội Văn hóa nghệ thuật tối 10-10 tại sân vận động Mỹ Đình.

Theo đó, chương I của đêm diễn sẽ cắt bỏ hai cảnh (Thuở hồng hoangHoài thai), bổ sung nội dung cho phù hợp. Trang phục của các diễn viên tại chương I, II phải được thay bằng trang phục có màu sắc tươi sáng, phù hợp yêu cầu sân khấu.

Một số hình ảnh minh họa trên màn hình chiếu cũng được thay đổi để phù hợp với kịch bản thể hiện trên sân khấu. Cụ thể, chương I lấy hình ảnh các vị vua và danh nhân như vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Chương III sẽ được thay bằng hình ảnh các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa thể hiện nét văn hiến, thành phố vì hòa bình như khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám…

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm