Tránh biến chứng nặng do sởi

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi  T.Ư - Ảnh: Dương Ngọc

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, những ngày qua có đến 160 bệnh nhân sởi từ các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình... vào viện điều trị.

Bất ngờ dịch sởi

Đáng chú ý, đã có 20 bệnh nhân trong số này có biến chứng nặng và đến năm trường hợp đã tử vong, bệnh nhân tử vong chủ yếu sống ở Hà Nội. Nếu tính chung cả bệnh nhân 3 tuổi tử vong tại Yên Bái đêm 30 Tết Giáp Ngọ, trong hơn 10 ngày vừa qua có sáu bé tử vong vì mắc sởi.

Giải thích lý do, PGS.TS Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay cả năm trường hợp tử vong do sởi ở bệnh viện này đều là bệnh nhân sởi trên nền bệnh mãn tính có sẵn, hoặc là bé sinh non, có di chứng ở não, có suy giảm miễn dịch... Trong khi đó, dù được coi là lành tính nhưng bệnh nhân sởi thường bị suy giảm miễn dịch nhanh, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp khác, trong đó nặng nhất là viêm phổi và viêm não, trẻ tử vong do các căn bệnh bị mắc thêm sau khi đã mắc sởi.

Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỉ lệ tiêm ngừa sởi ở những tỉnh thành có dịch sởi đầu tiên trong mùa dịch này đều rất cao, trong đó Yên Bái đạt 97,9% với tiêm sởi mũi 1 (khi trẻ 9 tháng tuổi), 80,5% với tiêm sởi mũi 2 (khi trẻ 18 tháng tuổi); Hà Nội tiêm sởi mũi 1 đạt 99,4%, mũi 2 đạt 93,5%... Với tỉ lệ tiêm ngừa này, dịch vẫn xuất hiện là một bất ngờ lớn, trong đó tại Bệnh viện Nhi T.Ư có những trường hợp đã tiêm ngừa nhưng vẫn mắc sởi. Tình hình khiến Bộ Y tế có khả năng lùi tiếp thời gian VN dự kiến đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi (trước đây dự kiến năm 2012, rồi lùi về 2017), hoặc chỉ đạt mục tiêu “khống chế bệnh sởi” chứ không loại trừ căn bệnh này như trước đây.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng dù tỉ lệ tiêm ngừa đạt 99,7% như ở Hà Nội thì mỗi năm vẫn có 0,03% trẻ đến tuổi nhưng chưa được tiêm ngừa, số này tích lũy lại và khi gặp mầm bệnh thì dịch bùng phát. Trong môi trường hầu hết đã được tiêm ngừa, bệnh cảnh của bệnh nhân mắc sởi sẽ nặng hơn so với bình thường, giống như tình hình của mùa dịch năm nay!

Tránh biến chứng thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết có đến 60% bệnh nhân sởi vào bệnh viện này thời gian qua dưới 9 tháng tuổi, tức dưới độ tuổi được tiêm ngừa sởi. Theo bác sĩ Lâm, thông thường ở độ tuổi này trẻ có miễn dịch tự nhiên từ mẹ (từng mắc sởi hoặc đã được tiêm ngừa sởi), nhưng những trẻ mắc bệnh sởi lại không có miễn dịch, tức mẹ chưa từng mắc bệnh, chưa được tiêm ngừa. Chưa kể ở lứa tuổi này, bệnh cảnh lâm sàng của các bé lại nặng hơn so với các trường hợp trên 9 tháng tuổi.

Khi trẻ mắc sởi, để tránh biến chứng nặng của bệnh, PGS Dũng khuyên bà mẹ cho con ăn đủ chất, cho trẻ nằm nghỉ ở nơi ấm áp tránh gió lùa, nhưng không nên kiêng tắm và phải đảm bảo vệ sinh răng miệng, nếu không trẻ dễ mắc các bệnh vùng miệng, lưỡi. Bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh hai biến chứng nặng nhất của bệnh sởi là viêm phổi và viêm não, nhưng biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan.

 Nhiều ổ dịch nhỏ

Hiện có 203 bệnh nhân ở gần 20 địa phương đã có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn nhiều do nhiều bệnh nhân có sốt phát ban và dấu hiệu lâm sàng của bệnh sởi nhưng không được xét nghiệm. Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp nên các khu vực có bệnh nhân dù rải rác vẫn được coi là các ổ dịch nhỏ.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Theo LAN ANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm