Tránh bóp nghẹt không gian biển Đà Nẵng

(PLO)- Đà Nẵng cần hạn chế bố trí các công trình cao tầng tạo thành “vách bê tông” dọc bờ biển, ảnh hưởng cảnh quan chung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Xây dựng Đà Nẵng đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Quy chế quản lý kiến trúc TP Đà Nẵng và danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP.

Đáng chú ý trong bản dự thảo là quy định kiểm soát chung về tầng cao trung bình phù hợp với đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên và khả năng đáp ứng hạ tầng của từng khu vực. Trong đó, khu vực phát triển nhà cao tầng trên 80 m là vùng trung tâm TP mở rộng (một phần quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) do không bị hạn chế bởi tĩnh không sân bay, để tạo ra một trung tâm TP hiện đại, có bản sắc riêng.

Phải quản lý chiều cao công trình?

Nhìn vào dự thảo quy chế, các chuyên gia quy hoạch đều cho rằng đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đặt vấn đề quản lý chiều cao công trình chi tiết như vậy. Bởi một thời gian dài TP tập trung thu hút đầu tư, phát triển quá nóng dẫn đến mất kiểm soát trong quy hoạch ven biển.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng, việc cấp phép nhà cao tầng ôm sát tuyến đường ven biển đã chắn gió biển là luồng gió tốt đi vào TP. Luồng gió này sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm, giảm nhiệt trong đô thị, làm cho đô thị mát mẻ, sạch sẽ và trong lành hơn.

“Sai lầm của một thời kỳ cấp phép cho xây dựng nhà cao tầng ven biển tràn lan giờ lãnh đạo TP đã biết rồi. Đà Nẵng khắc phục bằng cách trong đồ án quy hoạch phân khu và quy chế quản lý kiến trúc đang lấy ý kiến đã tính đến việc hạn chế cấp phép cao ốc sát biển” - ông Tuấn cho hay.

Một hệ lụy khác, nhiều lần được TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và công nghệ hóa (ĐH Duy Tân), chỉ ra là việc bờ biển phía đông Đà Nẵng đang mất dần do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển, mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng.

Dãy khách sạn tạo thành “vách bê tông” chắn ngang biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Dãy khách sạn tạo thành “vách bê tông” chắn ngang biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều năm nghiên cứu tài nguyên nước, bà Phương chỉ rõ trong các giáo trình giảng dạy của mình rằng trước đây chỉ cần đào sâu xuống đất ven biển Đà Nẵng vài mét là đã thấy nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay nước ngầm tại đây đang cạn dần.

Bà Phương nêu ví dụ: Một móng công trình ven biển rộng khoảng 500 m2, mỗi ngày đêm bơm hút ra cống 200 m3 nước. Những móng công trình này thường được thi công cả năm nên lượng nước ngầm mất đi là rất lớn. Chưa kể trong quá trình xây dựng, có hiện tượng các nhà thầu khoan giếng hút nước ngầm tại chỗ để thi công.

“Nước ngầm ven biển mất đi làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy đoạn biển xói lở hiện nay trùng khớp với đoạn có nhiều công trình cao tầng nhất ở bên trong. Nếu cứ như vậy thì tương lai tuyến đường ven biển tại đây liệu có còn không?” - bà Phương cảnh báo.

Cần quy hoạch tổng thể khu vực ven biển

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để sửa sai cho những sai lầm quy hoạch trong quá khứ, Đà Nẵng cần một bản quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực ven biển để tận dụng tối đa các lợi thế về mặt không gian của mình, bảo tồn kết hợp phát triển bền vững.

Ông Sơn cho hay đến nay, không gian ven bờ biển Đà Nẵng chỉ được xem là cơ hội để phát triển các dự án địa ốc. Đã đến lúc không gian đáng giá này cần được quy hoạch tốt hơn với một tầm nhìn mới, ưu tiên bảo vệ và nâng cấp giá trị môi trường xanh. Điều này phải đặt trong mối tương quan phục vụ lợi ích công cộng, người dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho hay thời gian tới, TP khuyến khích phát triển cao tầng tại khu vực giao cắt các trục đường chính đô thị, hướng biển theo các điểm, cụm, tuyến để tạo nhịp điệu và hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị.

Quy chế cũng bảo đảm hành lang tầm nhìn các khu vực hướng sông và mặt biển được thông thoáng. Điều này nhằm tạo ra sự tương phản, hình thành đường chân trời sắc nét, tạo ra các hành lang Đông - Tây tầm nhìn đến mặt biển thoáng và không bị cản trở.

Về hành lang ven biển, ông Phong khẳng định: “Đà Nẵng chủ trương hạn chế bố trí các công trình cao tầng tạo thành “vách bê tông” liên tục dọc bờ biển, làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan chung”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm