Tranh cãi án dân sự hay hành chính

Mới đây, VKSND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đã có văn bản kiến nghị chánh án TAND TP này khắc phục vi phạm pháp luật trong việc trả lại đơn khởi kiện, có biện pháp khắc phục cụ thể và trả lời bằng văn bản về kết quả thực hiện kiến nghị cho VKS.

Tòa xác định án dân sự, VKS bảo hành chính

Theo hồ sơ, tháng 1-2016, ông NVĐ khởi kiện yêu cầu TAND TP Cam Ranh buộc UBND TP thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông NXC từ năm 2006. Ông Đ. cũng yêu cầu UBND TP Cam Ranh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông NXC và bà NTĐ.

Ngày 25-1, TAND TP Cam Ranh đã xác định yêu cầu khởi kiện của ông Đ. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa và trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 168 BLTTDS (quy định về trả lại đơn khởi kiện án dân sự). Gần hai tháng sau, tòa mới chuyển thông báo trả lại đơn kiện cho VKSND TP Cam Ranh.

Qua kiểm sát thông báo trả lại đơn kiện nói trên, VKSND TP Cam Ranh xác định khiếu kiện của ông Đ. thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính 2010 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính 2010).

Theo VKSND TP Cam Ranh, việc TAND TP này trả lại đơn khởi kiện cho ông Đ. là vi phạm pháp luật nên đã kiến nghị như đã nói.

Án hành chính, tòa phải thụ lý

Về mặt pháp lý, trao đổi với chúng tôi, kiểm sát viên Đỗ Văn Hiếu (VKSND TP.HCM), ThS Đồng Mạnh Hùng (Công ty luật Phạm Nghiêm) và luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đều có chung một nhận định đây là một vụ kiện hành chính chứ không phải là vụ kiện dân sự.

Theo các ý kiến trên, ở trường hợp này, người khởi kiện là ông Đ. và người bị kiện là UBND TP Cam Ranh. Ông Đ. khởi kiện cả quyết định hành chính (quyết định cấp giấy đỏ cho ông C. của UBND TP Cam Ranh) lẫn hành vi hành chính (hành vi không cấp giấy đỏ cho hộ ông C. và bà Đ. của UBND TP Cam Ranh).

Như vậy, tòa án phải áp dụng các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính chứ không phải tố tụng dân sự để xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa hay không. Căn cứ vào các quy định của Luật Tố tụng hành chính 2010 và văn bản hướng dẫn thi hành, trong trường hợp xác định quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đ. bị ảnh hưởng bởi quyết định, hành vi hành chính của UBND TP Cam Ranh thì tòa phải thụ lý, giải quyết cả hai yêu cầu của ông Đ. chứ không được trả lại đơn kiện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc này có diễn tiến mới.

Quy định liên quan

Theo khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính 2010, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm…

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2011, hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới