Tranh cãi đề xuất cho Hà Nội được cắt điện nước công trình xây sai phép

(PLO)- Đề xuất cho TP Hà Nội được áp dụng biện pháp cắt điện nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tiếp tục nhận được nhiều sự tranh luận tại diễn đàn Quốc hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nội dung cho Hà Nội thẩm quyền cắt điện nước đối với công trình, cơ sở vi phạm pháp luật về xây dựng, ô nhiễm môi trường… (Điều 34, dự thảo Luật) tiếp tục nhận được nhiều sự tranh luận của các ĐBQH.

Cắt điện nước là biện pháp không nhân văn
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích biện pháp cắt điện, nước trước đây được áp dụng, nhưng đến nay trong hệ thống quy định pháp luật của nước ta không coi đây là một biện pháp cưỡng chế hành chính, dù nhiều bộ ngành, cơ quan đề xuất bổ sung biện pháp này.

“Biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính” - ĐB Bình nói và lấy ví dụ như cắt điện, nước ở nhà chung cư khi chủ đầu tư vi phạm, nhưng nhiều hộ dân trong đó cũng bị ảnh hưởng, hay cắt điện nước cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến người lao động trong các cơ sở đó.

Tranh cãi đề xuất cho Hà Nội được cắt điện nước công trình xây sai phép
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

ĐB Bình nhấn mạnh “cắt điện, nước” không phải là một biện pháp mang tính nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người.

Ông cho hay quy định pháp luật hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu các vi phạm về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường, trong đó đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình thức xử phạt chính danh, hợp lý, có khả năng trừng trị và ngăn ngừa hữu hiệu các vi phạm hành chính.

“Vậy, tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà phải áp dụng biện pháp khác vốn dĩ không chính đáng?… Thừa nhận biện pháp cắt điện, nước hay nói cách khác là chúng ta đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự"- Đại biểu nói.

cat-dien-nuoc-trang-a-duong.jpeg
ĐB Tráng A Dương (Hà Giang)

Cùng ý kiến, ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) nói: “Tôi đề nghị cân nhắc đưa quy định này vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bởi lẽ, đây là một trong những nội dung gây tranh cãi, còn nhiều ý kiến khác nhau”.

ĐB Dương phân tích: Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, nên khi áp dụng biện pháp này sẽ tác động không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn ảnh hưởng đến cá nhân và các tổ chức khác.

“Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc và thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cung ứng dịch vụ” - ông nhấn mạnh.

Hà Nội là đặc thù, áp dụng biện pháp “cắt điện, nước” là phù hợp

Về vấn đề “cắt điện, nước”, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lại có quan điểm ngược lại với các ĐBQH nêu ý kiến trước đó.

Ông nêu một số lập luận cho thấy vì sao cần cho phép Hà Nội được áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện nước đối với vi phạm như trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy…

Theo ông, thứ nhất, biện pháp này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực thôi chứ không phải tất cả. Thứ hai, chỉ áp dụng biện pháp này đã bị lập biên bản hoặc xử phạt rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.

cat-dien-nuoc-to-van-tam.jpeg
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)

Thứ ba, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, tập trung một lượng rất lớn cư dân ở đây cũng như là khách du lịch. Do đó yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có bảo đảm an ninh sức khỏe, tài sản, tính mạng con người đặt ra yêu cầu rất cao.

Do vậy, ông cho rằng này mà áp dụng cho cả nước thì có lẽ là chưa phù hợp, nhưng đối với Hà Nội thì đặc thù hơn nên biện pháp này là phù hợp.

“Vấn đề ở đây là khi áp dụng biện pháp này thì chú ý không được làm ảnh hưởng đến các cư dân xung quanh những khu vực này để đảm bảo quyền và lợi ích cho họ” - ĐB Tám nói.

cat-dien-nuoc-le-thanh-long.jpeg
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận “vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và vượt luật, nó tương đối đặc thù”, và đang được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xây dựng.

Ông nhấn mạnh thứ nhất đây là “biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý”. Thứ hai, dự luật cũng đã khu trú các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm và cũng khu trú tương đối kỹ lĩnh vực đấy là đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Bộ trưởng Tư pháp dẫn thực tế Hà Nội triển khai áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo Nghị định 180 (trong giai đoạn 2008-2018) cho thấy “những biện pháp chúng ta quy định ở trong nghị định này phát huy tác dụng, hiệu quả”.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của các ĐB. Theo đề nghị của TP Hà Nội, trường hợp Quốc hội tiếp tục cho phép anh em trong Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng chặt chẽ, để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân, tổ chức có liên quan” - Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm