Như đã đưa tin, TAND tỉnh Thái Nguyên đang mở lại phiên phúc thẩm lần hai xét xử bị cáo Vũ Văn Vinh (54 tuổi, cán bộ kiểm lâm tại Thái Nguyên) tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Đây là vụ án mà bị cáo Vinh liên tục kêu oan, từng được tòa phúc thẩm trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một lần.
Tại phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên khẳng định có đủ cơ sở kết luận bị cáo Vinh gây ra tai nạn khiến một CSCĐ tử vong. Trong khi đó, các LS của bị cáo Vinh đưa ra nhiều lý lẽ chứng minh thân chủ của mình vô tội, đồng thời khẳng định lỗi của vụ tai nạn thuộc về CSCĐ.
Bị cáo Vũ Văn Vinh tại tòa.
Vi phạm thủ tục điều tra?
LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Vinh, cho rằng đây là một vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Cụ thể, vụ án đã xảy ra cách đây bốn năm, từng hủy án điều tra lại nhưng không bổ sung được bất cứ thông tin nào. Đặc biệt, cơ quan công an đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều tra cũng như tố tụng hình sự, đã bỏ qua các thủ tục rất quan trọng như: không kiểm tra nồng độ cồn của người đi xe mô tô để xác định có đủ điều kiện điều khiển phương tiện hay không, không thu thập đủ chứng cứ (mũ bảo hiểm)...
Đặc biệt, tốc độ xe và kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy tại thời điểm va chạm, ô tô đã hoàn toàn dừng lại. Ngược lại, xe máy do anh Bùi Xuân Hòa điều khiển đi với tốc độ cao, không để lại bất cứ dấu vết phanh nào, thể hiện tài xế không quan sát, không có sự phản ứng gì.
“Xe mô tô phải đi với tốc độ rất cao, nạn nhân văng ra xa hơn 11 m. Các dấu vết tại hiện trường cho thấy xe mô tô đâm vào ô tô chứ không phải ô tô đâm vào xe máy” - LS Thiệp nói.
LS Lê Văn Thiệp cho rằng đây là vụ án oan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Hơn thế, theo quy định thì tất cả người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm nhưng quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã không hề thu thập được mũ, điều đó cho thấy hai chiến sĩ CSCĐ đã vi phạm. Trong vụ án này, người thực hiện hành vi nguy hiểm phải là anh Bùi Xuân Hòa chứ không phải bị cáo Vinh.
Vị LS này cũng cho rằng khi vụ án chưa giải quyết xong, cơ quan công an đã tiêu hủy vật chứng dẫn đến không thể tiếp tục trưng cầu giám định hoặc thực nghiệm điều tra theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, các LS khác bào chữa cho bị cáo Vinh cũng khẳng định thân chủ của mình vô tội, cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm. Một số dẫn lại công văn của C44 cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên Công an TP Thái Nguyên vẫn tiếp tục đề nghị truy tố bị can.
Có tội nhưng đề nghị giảm án
Trong phần luận tội của mình, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn nói trên là do bị cáo Vũ Văn Vinh điều khiển xe phía bên trái, không nhường đường cho xe ngược chiều. Tòa sơ thẩm xét xử bị cáo về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự; tuy không thừa nhận hành vi nhưng đã khai nhận toàn bộ diễn biến vụ việc khi xảy ra; tại tòa bị cáo nhận thức được hành vi của mình; cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo ba năm tù giam là có phần nặng…, vị kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo.
Đại diện VKS đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.
Về việc không đo nồng độ cồn đối với tài xế mô tô, kiểm sát viên cho rằng khi vụ án xảy ra, một cảnh sát tử vong ngay tại chỗ, người còn lại phải đi cấp cứu chưa biết sống chết ra sao, do vậy yêu cầu đo nồng độ cồn là không có tính khả thi, phải tập trung cứu chữa trước. Đây là sai sót của cơ quan tố tụng sơ thẩm nhưng do yếu tố khách quan.
Tương tự, với việc không thu giữ được mũ bảo hiểm, vị này đưa ra quan điểm rằng khi đó các cơ quan tập trung cứu chữa nạn nhân, chưa xác định nguyên nhân tai nạn là do ai. Về sau, phía công an có thu được mũ bảo hiểm nhưng vì đây là công cụ hỗ trợ nên không đưa vào hồ sơ vì không muốn thất thoát.
Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên còn cho rằng công văn của C44 trên thực tế không phải là hướng dẫn theo con đường tố tụng, cơ quan này đã có công văn gửi giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Công an xử lý lãnh đạo C44 khi ký vào công văn nói trên.
Tuy nhiên, tranh luận lại, LS Lê Văn Thiệp khẳng định lý do vì tập trung cấp cứu mà không đo nồng độ cồn là vô lý, bởi pháp luật đã quy định rõ về điều này.
“Có điều luật nào quy định sắp tử vong thì không đo nồng độ cồn? Tử thi còn phải mổ pháp y để xác định cơ mà?” - LS Thiệp đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng trong quyết định trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Công an TP Thái Nguyên nêu rõ danh tính của hai chiến sĩ cảnh sát, nơi công tác, đang trên đường làm nhiệm vụ… là không đảm bảo tính khách quan.
“Đại diện VKS cho rằng do xác định bị hại không có lỗi nên đã trả lại chiếc xe mô tô, thế nhưng quá trình tố tụng sau này cho thấy xe mô tô có vi phạm về tốc độ, vậy đây không phải là lỗi à? Việc lấy lý do bận cấp cứu mà không thu giữ mũ bảo hiểm cũng là bao biện, mơ hồ…” - LS Thiệp khẳng định.