'Tranh cãi' về nới room tín dụng

(PLO)- Các doanh nghiệp đề nghị tăng trần dư nợ tín dụng thêm 1%-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Nhiều ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đang sốt ruột chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room (hạn mức) tín dụng để có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, NHNN đang tỏ ra rất thận trọng với việc nới room tín dụng vì lo ngại lạm phát lẫn nợ xấu gia tăng trở lại.

Sốt ruột chờ nới room tín dụng

Nhu cầu về nguồn vốn của nhà sản xuất, kinh doanh tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng việc vay vốn từ ngân hàng không dễ. Ông Minh Kha, chủ một cơ sở kinh doanh tạp hóa ở quận Tân Bình, TP.HCM, thở dài: “Tôi cần vay 2 tỉ đồng để có vốn lưu động nhưng hỏi một số ngân hàng họ đều lắc đầu vì đã cạn room tín dụng”.

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nêu rõ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây. Do vậy, hiệp hội đề nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng hợp lý để tạo điều kiện cho các công ty bất động sản có dự án khả thi, có uy tín, khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.

NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm nay thêm 1%-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Không chỉ các doanh nghiệp muốn nới hạn mức tín dụng mà bản thân các ngân hàng cũng đang mong chờ. Bởi mới hơn nửa năm nhưng nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng cả năm, thậm chí có đơn vị đã sử dụng hết.

Đơn cử trong sáu tháng đầu năm, Agribank đạt mức tăng trưởng tín dụng 6%, trong khi hạn mức được NHNN giao cả năm chỉ 7%. Với 1% hạn mức tín dụng còn lại chia cho những tháng cuối năm là bài toán vô cùng khó khăn. Một số ngân hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chẳng hạn, tại Vietcombank tính đến hết tháng 4 đã ghi nhận mức tín dụng đạt gần 9%, trong khi mức tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm chỉ 10%.

Nên linh động với từng
ngân hàng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, mức tăng tín dụng khoảng 14%-15% là hợp lý. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể các ngân hàng xin nới room tín dụng đã thực hiện cho vay như thế nào.

Ví dụ, nếu thời gian qua ngân hàng đó đã thực hiện tốt việc cho vay vào lĩnh vực ưu tiên thì cần được nới room sớm. Còn các ngân hàng chủ yếu cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… thì cần cân nhắc việc nới room tín dụng. Nghĩa là tùy thuộc vào từng ngân hàng để xem xét nới room tín dụng chứ không cứng nhắc áp dụng chung một công thức.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế - tài chính

Trong bối cảnh trên, hàng loạt ngân hàng đã có công văn đề nghị NHNN nới room tín dụng để có thêm dư địa cho khách hàng vay. Thế nhưng đến giờ này đề xuất trên vẫn chưa được NHNN giải quyết.

Đang cân nhắc

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết định hướng tín dụng trong năm nay tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm ngoái. Tính đến ngày 30-6 vừa qua, tín dụng đã tăng 9,35%.

Chính vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm, tức không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm. Tuy vậy, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát… để có giải pháp điều hành phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Agribank, nêu quan điểm: Hiện tốc độ lạm phát của nhiều nền kinh tế trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đó Việt Nam là nước có độ mở lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, do đó áp lực lạm phát do nhập khẩu đang rất lớn. Dù biết rằng khi nới room và tăng trưởng tín dụng sẽ giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận trong trước mắt nhưng về lâu dài có thể tạo ra nguy cơ bất ổn cho chính khách hàng vay và xa hơn là bất ổn cho nền kinh tế.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng quan điểm của NHNN không nới rộng tăng trưởng tín dụng quá lớn là hợp lý. Bởi nếu nới lỏng tăng trưởng tín dụng ở mức cao sẽ đẩy các ngân hàng vào cuộc đua cạnh tranh tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, từ đó tăng lãi suất cho vay, đồng thời đẩy lạm phát tăng theo. Hệ quả sẽ dẫn đến nguy cơ khách hàng không trả được nợ, ngân hàng cần rất nhiều thời gian để xử lý nợ xấu” - bà Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nới lỏng quá mức tín dụng cũng không tốt cho nền kinh tế mà thắt chặt cũng không ổn. Thực tế dư địa để nới lỏng thêm tín dụng của Việt Nam vẫn còn, song nếu nới tín dụng quá mức sẽ tạo ra cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng, dẫn tới châm ngòi cuộc đua lãi suất cho vay, gây áp lực lạm phát rất lớn. Ngược lại, nếu thắt chặt tín dụng sẽ khiến doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, làm nguồn cung hàng hóa suy giảm, đẩy giá cả tăng cao. Đây là bài toán không hề đơn giản của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

Căn cứ diễn biến thực tế để điều hành phù hợp

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, nhận định áp lực lạm phát trong nước đang tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ. Hiện nay nhu cầu tín dụng tăng cao trước quá trình phục hồi kinh tế, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu nên không thể chủ quan với rủi ro lạm phát. Do đó, trong thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng; hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng cũng như giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm