TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (gọi tắt là công ty) với bà Nguyễn Thị Hằng cùng hai con và cha chồng bà (đồng thừa kế của ông Nguyễn Văn Giang đã mất).
Viện kiểm sát kháng nghị
Theo ông Hoàng Minh Dũng (đại diện công ty), đầu năm 2017, công ty nhận được nguồn tiền 63 tỉ đồng từ cổ đông chiến lược để chi trả các khoản nợ, sau đó còn lại khoảng 7,6 tỉ đồng. Đầu năm 2017, công ty mở cuộc họp có mặt ông Giang là trưởng phòng tài chính - kế toán (chồng bà Hằng) cùng nhiều người, ông Dũng làm chủ tọa.
Cuộc họp thống nhất chuyển hơn 7,6 tỉ đồng vào tài khoản của cá nhân ông Giang và tài khoản của người khác 1,5 tỉ đồng để hai người mở sổ tiết kiệm lấy tiền lời cho quỹ công đoàn. Sau đó ông Giang mở 12 sổ tiết kiệm (rút một sổ trước thời hạn, còn lại 11 sổ), mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó ông Giang mất.
Ông Dũng cho rằng công ty còn hơn 5,6 tỉ đồng, gồm 11 sổ tiết kiệm do ông Giang đứng tên và 129 triệu đồng trong tài khoản của ông Giang. Vì thế, tháng 5-2017, ông Dũng khởi kiện buộc các đồng thừa kế của ông Giang phải trả tiền gốc cùng lãi phát sinh tạm tính là 734 triệu đồng.
Bị đơn là bà Hằng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và có phản tố đòi công ty trả cho chồng bà giá trị 88 cổ phiếu của ông Giang (tương đương 8,8 triệu đồng). Bà Hằng cho rằng thực tế không có cuộc họp như ông Dũng trình bày phía trên vì năm lý do… Bà Hằng cho rằng số tiền 5,5 tỉ đồng trong 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông Giang là tài sản của cá nhân chồng bà.
Đồng thừa kế là cha chồng bà Hằng thì cho rằng những người làm chứng mà tòa án triệu tập để đối chất là không khách quan. Họ không biết gì về sổ tiết kiệm của ông Giang, trong khi nhân chứng quan trọng nhất là ông Giang thì đã mất. Một công ty có tư cách pháp nhân và đầy đủ các phòng, ban thì không thể nhờ ông Giang đứng tên giùm các sổ tiết kiệm.
Xử sơ thẩm vụ án vào cuối năm 2019, TAND quận Gò Vấp chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc các đồng thừa kế của ông Giang phải trả cho công ty 5,5 tỉ đồng trong 11 sổ tiết kiệm và lãi phát sinh 734 triệu đồng. Tòa không chấp nhận phần yêu cầu buộc các đồng thừa kế phải trả 129 triệu đồng trong tài khoản của ông Giang. Tòa công nhận sự thỏa thuận công ty trả cho gia đình ông Giang 8,8 triệu đồng là giá trị của 88 cổ phiếu.
Sau đó, các đồng bị đơn kháng cáo bản án, viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị cho rằng án sơ thẩm đã tuyên là không có cơ sở.
Sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Hằng cho biết bà kết hôn với ông Giang năm 2000. Quá trình sống chung, bà biết chồng bà có hùn tiền làm ăn với công ty và cá nhân ông Dũng nhưng không nắm cụ thể. Khoản tiền trong tài khoản của ông Giang và trong 11 sổ tiết kiệm là di sản mà ông Giang để lại cho những người thừa kế, trong đó có bà.
Nguyên đơn là ông Dũng cho rằng đây là khoản tiền của cổ đông mà công ty phải có trách nhiệm nên mới khởi kiện đòi lại. Tài khoản của ông Giang là tài khoản mở rộng của công ty, nhằm tránh tình huống các cơ quan có thẩm quyền phong tỏa dẫn tới việc bị đình trệ trong giao dịch kinh tế. Quá trình làm việc tại công ty, ông Giang là người trung thực và có uy tín cao nên ban giám đốc tin tưởng giao trách nhiệm đứng tên trong tài khoản mở rộng của công ty.
Đại diện VKS phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm buộc các đồng thừa kế của ông Giang phải trả lại công ty 5,5 tỉ đồng trong 11 sổ tiết kiệm và lãi suất là chưa đúng...
HĐXX phúc thẩm nhận định: Nguyên đơn khởi kiện cho rằng đây là tài sản của công ty nhờ ông Giang đứng tên sổ tiết kiệm thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình.
Tại tòa, ông Dũng nói không rõ người lãnh đạo tiền nhiệm có văn bản giao nhiệm vụ cho ông Giang đứng tên tài khoản ngân hàng giùm công ty hay không, nhưng từ khi ông tiếp quản thì không có văn bản này. Các dịp quyết toán hằng quý, hằng năm, ông Giang và kế toán công ty cũng không lập biên bản kiểm tra số tiền của công ty còn lại trong tài khoản của ông Giang. Như vậy, công ty chưa chứng minh được tài khoản của ông Giang cũng là của tài khoản của công ty.
Các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp chưa có giá trị chứng minh nên nguyên đơn phải chịu hậu quả của việc không cung cấp được chứng cứ có giá trị chứng minh cho yêu cầu của mình. Trong khi nguyên đơn chưa chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thì tòa sơ thẩm lại dựa vào biên bản họp giao ban và các chứng từ chuyển tiền để tuyên án.
Bản án sơ thẩm kết luận khoản tiền còn lại trong tài khoản của ông Giang và 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông Giang là của công ty là không có cơ sở. Cuối cùng, HĐXX chấp nhận kháng cáo của các bị đơn và kháng nghị của VKS cùng cấp sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Dũng.
Phân tích của VKS tại tòa phúc thẩm Theo đại diện VKS, tòa sơ thẩm dựa vào các chứng cứ gồm biên bản họp giao ban, chứng từ nộp tiền vào tài khoản của ông Giang, lời khai của người làm chứng là nhân viên của công ty và tại bàn làm việc của ông Giang có 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông Giang để buộc các đồng thừa kế của ông phải trả lại số tiền trên là chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ biên bản họp giao ban không có chữ ký của ông Giang, các chứng từ chuyển tiền không ghi rõ nội dung chuyển tiền. Trong khi từ năm 2005 đến 2017, công ty và ông Giang có rất nhiều lần chuyển tiền qua lại với nhau. Đồng thời, ông Giang cũng nắm giữ cổ phần của công ty nên số tiền nguyên đơn chuyển vào tài khoản của ông Giang cũng là để trả nợ vay và tiền lời trong làm ăn. Theo VKS, lẽ ra cấp sơ thẩm cần làm rõ để xác định nguồn tiền vào tài khoản của ông Giang khoản nào là của công ty, khoản nào là của ông Giang. Mục đích chuyển tiền vào tài khoản của ông Giang để làm gì thì mới có cơ sở giải quyết vụ án... |