Nhiều chuyên gia đã đề xuất ngành tòa án nên xem đây là một dạng tranh chấp dân sự và thụ lý, giải quyết chứ không thể cứ bỏ lửng như hiện nay.
Trước đây, bà N., ngụ quận Bình Tân (TP.HCM), được cha mẹ cho một miếng đất. Sau đó bà được UBND quận cấp giấy đỏ. Do trên đất rải rác có vài ngôi mộ của gia đình nên giấy đỏ ghi mục đích sử dụng là đất nghĩa địa.
Tòa, ủy ban đều từ chối
Sau khi một người anh của bà N. qua đời, gia đình người anh qua hỏi xin chôn trên đất của bà nhưng bà không đồng ý. Do ở xa, không trực tiếp quản lý đất nên gia đình người anh vẫn tiếp tục chôn mà bà không hay biết.
Năm 2007, biết việc, bà N. đã khởi kiện nhờ TAND quận tuyên dời mộ người anh ra khỏi đất của bà. Nhận đơn, tòa lắc đầu từ chối thụ lý vì cho rằng không thuộc thẩm quyền. Bà N. khiếu nại việc này thì bị lãnh đạo tòa bác đơn. Do vậy, bà N. phải quay về nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Nhưng chính quyền địa phương cũng lúng túng, không biết xử lý sao…
Tương tự, mới đây, tháng 4-2010, ông S. nhiều lần đến gặp chú ruột xin được cải táng mồ mả cha mẹ hiện chôn cất tại khu mộ gia tộc trên đất của người chú ở Lai Vung (Đồng Tháp) về một nghĩa trang tại TP Cần Thơ để tiện bề chăm sóc.
Người chú cương quyết không đồng ý nên ông S. phải nhờ đến chính quyền xã. Xã đã vận động người chú cho ông S. bốc mộ cha mẹ nhưng bất thành. Ông S. bèn gửi đơn nhờ huyện Lai Vung giải quyết thì bị từ chối, chỉ qua TAND huyện vì nội dung yêu cầu của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.
Ông S. kiện ra TAND huyện Lai Vung, tòa cũng trả lại đơn vì cho rằng vụ việc của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Bế tắc, ông S. không biết phải đi đâu, nhờ nơi nào để được bốc mộ cha mẹ về trông nom, hương khói.
Vì luật chưa quy định
Trong các vụ việc trên, lý do mà cả chính quyền địa phương lẫn tòa đưa ra để từ chối yêu cầu của đương sự là pháp luật chưa có một quy định nào rõ ràng về chuyện này.
Ở TP.HCM trước đây, các tòa quận, huyện cũng từng gặp khá nhiều vụ tranh chấp về đất đai có liên quan đến mồ mả trên phần đất đó. Ban đầu, các tòa đều lúng túng. Có tòa từ chối thẳng thừng, trả đơn kiện nhưng cũng có tòa thụ lý xong rồi không biết xử sao, phải hỏi ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên.
Sự bất nhất này khiến người dân phàn nàn về cách làm việc của tòa. Vì thế, quan điểm chung của ngành tòa án TP là nếu có tranh chấp đất đai có liên quan đến mồ mả thì tòa sẽ chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, không thụ lý, giải quyết phần mồ mả.
Theo TAND TP, cho đến nay chưa hề có một văn bản pháp luật nào quy định cho tòa hay ủy ban giải quyết những tranh chấp về mồ mả, hài cốt. Ngay cả TAND Tối cao cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn riêng cho ngành tòa án cả...
Giải quyết sao?
Quyền di dời, bảo quản, trông nom mồ mả… của thân nhân là một quyền chính đáng và thiêng liêng của người dân. Tranh chấp xảy ra giữa những người thân của người đã khuất tuy ít gặp nhưng vẫn là một thực tế cần được nhìn nhận.
Có người cho rằng một khi pháp luật dân sự chưa điều chỉnh thì có thể áp dụng tập quán (Điều 3 Bộ luật Dân sự 2005) để xử lý khi có xung đột. Cụ thể, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể, gia tộc… nên tổ chức vận động, thuyết phục các bên đương sự tìm ra hướng giải quyết phù hợp với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều người lại phản bác rằng một khi các bên không thống nhất được với nhau thì chính quyền địa phương cũng không thể làm gì. Như vậy cũng không thể giải quyết dứt điểm được tranh chấp.
Vì thế, nhiều chuyên gia đã đề xuất ngành tòa án nên xem đây là một dạng tranh chấp dân sự và thụ lý, giải quyết chứ không thể cứ bỏ lửng như hiện nay. Dĩ nhiên để làm được thì TAND Tối cao phải nghiên cứu và ra hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, đường lối xử lý.
Chẳng hạn, thủ tục để tòa thụ lý, giải quyết dạng tranh chấp này bắt buộc phải qua khâu hòa giải ở địa phương để không làm phức tạp thêm tình hình, làm sứt mẻ tình cảm gia đình… Hòa giải không xong thì sau đó mới đưa ra tòa.
Lúc đó, tòa có thể xét người có quyền trực tiếp trong việc di dời, bảo quản, trông nom… mồ mả là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất mà cụ thể ưu tiên con ruột của người đã khuất. Nếu giữa chính những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có tranh chấp thì tòa xét ai có điều kiện hơn trong việc trông nom, hương khói thì giao cho người đó…
Luật sư NGUYỄN THÀNH VĨNH (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre)
Vụ xét xử hiếm hoi Trong thực tiễn đã xảy ra một trường hợp hiếm hoi mà tòa xét xử tranh chấp liên quan đến mồ mả cho đương sự. Cụ thể, ông B. khởi kiện đòi ông S. bồi thường thiệt hại vì đã làm mộ vợ ông bị sạt lở, phải mất công sức, tiền bạc để di dời đi chỗ khác, được TAND huyện Sông Cầu (Phú Yên) thụ lý. Tháng 6-2008, TAND huyện Sông Cầu xử sơ thẩm đã nhận định việc mộ vợ ông B. bị sạt lở không phải do lỗi của ông S. nên bác yêu cầu đòi bồi thường của ông B. Sau khi ông B. kháng cáo, tháng 8-2008, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm kết luận ông S. có một phần lỗi gián tiếp trong việc mộ của vợ ông B. bị hư hỏng. Trên cơ sở thiệt hại thực tế là 3 triệu đồng, tòa chấp nhận một phần kháng cáo của ông B., sửa án sơ thẩm, buộc ông S. phải bồi thường 1/3 thiệt hại (1 triệu đồng). _____________________________________________________ Tháng 5-2008, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông HQC bị một số họ hàng kiện đòi bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Theo tòa, loại tranh chấp này hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn giải quyết cụ thể. Trước đó, năm 2006, ông C. di dời hài cốt của người anh về chôn cất ở chỗ khác để giao mảnh đất tọa lạc tại xã Thới Thạnh (Cờ Đỏ) cho người mua đất. Phát giác sự việc, thân nhân của người quá cố đã tố giác đến các cơ quan chức năng. Vụ việc được ban hòa giải xã Thới Thạnh đưa ra hòa giải nhưng không thành nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến tòa xem xét, giải quyết... Tháng 12-2005, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm đã tuyên đình chỉ một vụ tranh chấp đất có liên quan đến mồ mả trên đất vì tòa nhận định tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án. Theo hồ sơ, năm 2003, giữa bà VTC và người cháu rể xảy ra tranh chấp một khu đất tồn tại 18 ngôi mộ, kim tĩnh - huyệt mộ đào sẵn của gia tộc chồng bà C. Người cháu rể có giấy đỏ, còn bà C. cho rằng người cháu rể đã làm hồ sơ giả xin cấp giấy đỏ nên khởi kiện. TAND huyện Bình Minh (Vĩnh Long) thụ lý, bác đơn của bà C., công nhận quyền sử dụng đất cho người cháu; buộc gia tộc chồng bà C. phải di dời 18 ngôi mộ và kim tĩnh ra khỏi khu đất này. Sau đó bà C. kháng cáo… |
- 4-9-2013Chứa nửa tỉ đồng tiền giả, bị phạt 10 năm tù
- 4-9-2013Lợi dụng lễ hội để trộm: Chín tháng tù
- 4-9-2013Lẽ ra được tha nhưng phải đi tù?
- 4-9-2013Hôm nay, phúc thẩm vụ Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt”
- 4-9-2013Hủy án vụ kiện đòi 30.000 cổ phiếu
- 20-8-2010Giết hàng xóm ngay trong cuộc họp thôn
- 20-8-2010Khắc phục hậu quả, được giảm nhẹ
- 19-8-2010Giết người tình vì bị ép bỏ vợ
- 19-8-2010Ngủ gật, tài xế xe tải cán chết 3 người
- 19-8-2010Giết nhầm chủ quán bia