Tranh luận bỏ hay giữ lớp không chuyên ở trường chuyên

(PLO)- Nhiều thầy cô đồng tình việc bỏ lớp không chuyên ở trường chuyên để tập trung nguồn lực phát triển nhưng vẫn có sự tiếc nuối với những lớp học này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Điểm nổi bật của dự thảo là quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

Được biết mô hình lớp không chuyên trong trường chuyên được Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư 06/2012 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM trong một tiết học.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tập trung nguồn lực để phát triển lớp chuyên

Năm học 2022-2023, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai có hơn 1.300 học sinh (HS), trong đó có 33 lớp chuyên và sáu lớp không chuyên với 240 em, chia đều ở ba khối.

Bà Lê Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc mở các lớp không chuyên được trường thực hiện theo quy định về hoạt động của các trường THPT chuyên. “Lớp không chuyên không phải được tuyển tự do mà dựa trên điểm số từ kỳ thi vào trường. Đây cũng là nguồn để bổ sung nhân lực cho đội tuyển bởi các em cũng có khả năng. Hằng năm, trường có 1-2 em lớp này tham gia vào đội tuyển HS giỏi quốc gia và đoạt giải” - bà Thu nói.

Bà Thu đồng tình đề xuất khi bỏ các lớp không chuyên, trường sẽ tập trung đầu tư vào lớp chuyên, từ đó thể hiện rõ nét đặc thù của trường chuyên.

Điểm số nhiều khi không phản ánh hết được năng lực của HS, đôi khi chỉ chênh lệch nửa điểm, thậm chí là 0,25 điểm thì đã không được vào chuyên.

Ông Nguyễn Kim Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, bày tỏ: “Cá nhân tôi cho rằng chuyên là chuyên, không chuyên là không chuyên. Khi vào trường, tất cả đều phải chuyên, từ giáo viên đến HS, như vậy sẽ rõ ràng, mạch lạc, thuận tiện cho công tác quản lý…”.

Đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Kim Dung, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng việc bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ giúp đội ngũ quản lý đỡ vất vả hơn và tập trung hơn vào việc đào tạo đội ngũ chuyên. Đồng thời, bỏ được khoảng cách giữa HS chuyên với HS không chuyên, từ đó tạo một môi trường giáo dục lành mạnh hơn.

Đồng tình với điểm mới của dự thảo, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho biết việc không tổ chức lớp thường trong trường chuyên là hợp lý, không nên lẫn lộn nhiều hệ trong trường chuyên. Sự thay đổi này sẽ thể hiện đúng bản chất của trường chuyên là tuyển chọn và bồi dưỡng những HS có năng khiếu đặc biệt ở tất cả môn văn hóa, từ đó sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục tiêu và đúng con người thụ hưởng. Ông Phú cũng đề nghị nên bỏ những lớp chuyên trong trường thường vì phân tán HS giỏi, hao tổn ngân sách nhưng không hiệu quả.

Giao lớp không chuyên cho trường THPT khác

Theo tôi, không cần thiết có lớp không chuyên trong trường chuyên vì nó không khác gì với lớp trong trường thường. Việc này giúp cho trường THPT chuyên chỉ tập trung một nhiệm vụ duy nhất là tổ chức giáo dục và dạy học cho HS chuyên của trường, còn các lớp không chuyên giao cho các trường THPT khác chịu trách nhiệm.

Thầy NGUYỄN VĂN NGAI,

nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Tiếc nuối xóa bỏ
lớp không chuyên

Mặc dù đồng tình với dự thảo, bà Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai), cũng nhận định với điều kiện thực tế tại địa phương, cơ hội để được học tập và rèn luyện trong môi trường tốt không nhiều. Do đó, việc bỏ lớp không chuyên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cũng như quyền lợi học tập của HS tại địa phương.

Tương tự, thầy Phạm Văn Thạo, nguyên giảng viên Trường THPT chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ chỉ tiêu mỗi năm ở các trường chuyên đều có hạn, một số trường muốn tăng thêm chỉ tiêu để giảng dạy đã mở thêm các lớp gọi là lớp không chuyên (có nơi gọi là hệ B hoặc hệ cận chuyên - PV) để đáp ứng nhu cầu và tăng thêm nguồn thu nhập cho nhà trường. Việc tuyển sinh cũng tùy theo từng trường. Có trường tách bạch, lớp chuyên và lớp không chuyên học riêng ngay từ đầu, chế độ giảng dạy và học phí đối với các lớp này cũng khác nhau.

Nhưng có trường học hệ cận chuyên là một bước đệm, nếu một số trường hệ chuyên chưa tuyển đủ chỉ tiêu, sau một học kỳ, họ sẽ cho thi bổ sung giúp những HS cận chuyên chuyển sang chuyên.

“Điểm số nhiều khi không phản ánh hết được năng lực của HS, đôi khi chỉ chênh lệch nửa điểm, thậm chí là 0,25 điểm thì đã không được vào chuyên. Do đó, bản thân tôi vẫn mong muốn các trường nên có lớp cận chuyên để bồi dưỡng các em, đây cũng là nhu cầu của đa số nhiều người” - thầy Thạo nói.

Trong khi đó, ông Hà Thái Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ mỗi quy định, quyết sách đều có lý do. Việc Bộ GD&ĐT đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên có thể nhằm thực hiện kế hoạch dạy học chương trình giáo dục nâng cao đối với các môn chuyên, tạo điều kiện nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, tập trung phát triển năng khiếu đặc biệt… Mặc dù vậy, ông Bình vẫn cảm thấy tiếc nuối nếu như không có lớp cận chuyên trong các trường chuyên.

“Ở nước ngoài họ đã làm mô hình trường chuyên như vậy từ rất lâu. Nhưng nhìn trên thực tế ở nước ta, nhiều trường hợp HS không học chuyên vẫn đạt được những thành tích đáng nể. Do đó, tương lai nếu bỏ lớp cận chuyên trong trường chuyên thì thật sự có gì đó tiếc nuối, mất đi cơ hội của nhiều HS, trong khi năng lực của các em không hề tầm thường” - ông Bình chia sẻ.•

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên bỏ lớp cận chuyên hay chất lượng cao trong trường chuyên không?

Có trường đã dừng tuyển lớp không chuyên

Sau một thời gian thực hiện, trong mùa tuyển sinh cho năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM dừng tuyển các lớp không chuyên đồng thời có các lớp chuyên theo lĩnh vực. Theo lý giải của nhà trường với báo chí , năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên trường thực hiện đề án tự chủ được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt; thay thế vai trò của các lớp không chuyên bằng lớp chuyên theo lĩnh vực. Cách thức này cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm