Tranh luận về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

(PLO)- Chủ doanh nghiệp chưa muốn tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2024 do kinh tế suy giảm, trong khi đại diện người lao động muốn được tăng lương vì công nhân “không đủ tiền trang trải cuộc sống”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây đã nhóm họp phiên đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu là 5%-6%.

Trong khi đó, đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn chưa điều chỉnh tăng lương.

Giá lương thực, thực phẩm đã tăng, nếu lương không tăng theo, cuộc sống của người lao động sẽ thêm nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Giá lương thực, thực phẩm đã tăng, nếu lương không tăng theo, cuộc sống của người lao động sẽ thêm nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khó khăn

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó nêu: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang chậm lại. Ba tháng đầu năm chỉ đạt 3,32%, giảm đáng kể do các yếu tố như rủi ro địa chính trị và tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, ngành sản xuất chiếm khoảng 1/4 tỉ trọng GDP có mức tăng trưởng âm (giảm 0,37%).

Khảo sát trên 600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 46,5% không mấy lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023, với dự báo doanh thu suy giảm hoặc duy trì so với năm 2022. Cạnh đó, các DN còn phải đối mặt với chi phí mua sắm nguyên vật liệu và linh kiện tăng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh suy giảm.

Ngoài ra, có tới 75,2% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Chi phí này cao hơn Thái Lan và Philippines cũng trong một cuộc khảo sát tương tự.

Từ các phân tích trên, JCCI kiến nghị Thủ tướng cân nhắc duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2023. Trường hợp có điều chỉnh thì nên ở mức phù hợp, đồng thời không nên tăng vào giữa năm như đã làm trong năm 2023 do ảnh hưởng đến quản lý DN.

Thêm vào đó, các DN hiện nay đều đã điều chỉnh tăng lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu tăng tiếp sẽ khiến DN không gánh được chi phí nhân công, dễ dẫn đến tranh chấp lao động.

Do ít có hoặc không có tích lũy, nhiều người chọn rút BHXH một lần, số lần rút trung bình trên một lần, người rút nhiều nhất là bốn lần.

Còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết vẫn đang lắng nghe các ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia để đưa ra kiến nghị cụ thể về tăng hay giữ nguyên mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.

Trước đó, VASEP cũng có văn bản gửi Chính phủ và các bộ liên quan về tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm tháng đầu năm 2023 tiếp tục sụt giảm hai con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỉ USD, giảm 27,9%. Các đơn hàng xuất khẩu giảm 20%-50%, lượng hàng tồn kho tăng cao.

Hội đồng tiền lương quốc gia đã tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022. Cụ thể, vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng, vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng, vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng và vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng.

Bữa cơm của nhiều NLĐ không có thịt

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết hiện các chi phí lương thực, thực phẩm đã tăng. Nếu lương không tăng theo, cuộc sống của NLĐ sẽ thêm nhiều khó khăn.

Trong khoảng 3.000 NLĐ được khảo sát gần đây, chỉ có 24,5% cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. Số còn lại trả lời thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Cũng theo bà Lan, chỉ 8,1% NLĐ được khảo sát cho biết tiền lương của họ có dư và tích lũy; 11,2% không đủ sống, ngoài thời gian làm việc tại công ty, họ phải làm thêm để cải thiện thu nhập.

Tiền lương cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và chăm sóc con cái của NLĐ. Theo đó, có tới 17,6% NLĐ không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% NLĐ chưa từng mua sữa công thức cho con dưới sáu tuổi. Chỉ 37,7% NLĐ có tiền lương đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Đặc biệt, nhiều NLĐ cho hay phải thường xuyên vay nợ dẫn đến bị đe dọa, khủng bố, tâm trạng lo lắng, bất an. Do ít có hoặc không có tích lũy, nhiều người chọn rút BHXH một lần, số lần rút trung bình trên một lần, người rút nhiều nhất là bốn lần.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày; 10,3% cho biết với thu nhập hiện nay, họ ít khi (một lần/tuần) có tiền ăn thịt, cá trong bữa ăn gia đình. “NLĐ ở vùng 1 phải bỏ trung bình 1,8 triệu đồng/tháng cho tiền thuê nhà (bao gồm tiền điện, nước), chiếm gần một nửa thu nhập hằng tháng của họ…” - bà Lan cho hay.

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Việt Nam, thừa nhận nhiều DN đang gặp khó khăn khi bị cắt giảm đơn hàng. Do đó, cần tính toán lương tối thiểu tăng bù trượt giá nhưng nên cân nhắc và so sánh những yếu tố tác động tiêu cực của việc tăng lương. Chẳng hạn lương tăng 1 đồng, giá cả tăng 2 đồng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của NLĐ.•

Thông thường, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp ba phiên, trong đó hai phiên lắng nghe và phân tích, đánh giá của các bên về việc có nên điều chỉnh tăng lương.

Trường hợp phía đại diện NLĐ và chủ sử dụng lao động không tìm được tiếng nói chung, hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu tại phiên họp thứ ba để thông qua đề xuất tăng hay giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng để trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định.

Dự kiến cuối tháng 8-2023, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ hai để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm