Ngoài một Thái Lan chưa thấy điểm yếu thì phần còn lại của Đông Nam Á, tức “mâm nhì” gồm Việt Nam, Malaysia, Myanmar (bảng A), Singapore, Philippines, Indonesia chỉ ngang ngang nhau.
Sự vượt trội của Thái Lan đưa họ vào “mâm trên” dù báo chí Đông Nam Á thỉnh thoảng vẫn cố đẩy đội này, đội kia vào danh sách ứng viên để AFF Cup bớt bị phân cấp. Chính vì thế mà ở khía cạnh chuyên môn, các đội trong đó có cả Việt Nam toan tính để tránh Thái Lan ở bán kết thì cũng không có gì đáng hổ thẹn.
Lâu nay thì người Thái đã quan niệm không quan tâm kết quả bốc thăm AFF Cup vì muốn vô địch thì phải đánh bại tất tần tật. Đó là việc riêng của người Thái, nhất là họ đang giữ ba mùa vô địch AFF Cup (2012, 2014, 2016) cộng với những lần năm 1996, 2000, 2002. Trong khi đó, phần còn lại thì phải “liếc ngang, liếc dọc” gặp ai, bảng nào và làm thế nào để tránh Thái Lan ở bán kết. Đó là chuyện của những đội ngồi “mâm hai” dưới “mâm” của Thái Lan.
Nhìn Việt Nam thể hiện trước Myanmar cho thấy vẫn nhiều điều khó khăn lắm nếu nuôi mục tiêu vô địch. Cơ hội bỏ lỡ vẫn tiếp tục quá nhiều; lối chơi cũng chẳng suôn sẻ, mượt mà mà nó vẫn như “nấc cụt”. Trước các cơ hội ngon ăn thì có vẻ vẫn quá căng… Đấy là nét khác biệt nhất so với đội Thái Lan ở bảng B.
Vào bán kết, chung kết, không có chỗ cho việc bỏ phí quá nhiều cơ hội. Mà nếu vẫn bỏ phí cơ hội thì có khi bị trừng phạt ngay…
Dù đang nhì bảng nhưng đội tuyển Việt Nam có đến 90% cơ hội lên đầu bảng A sau khi khép lại lượt cuối. Đây là trận đấu mà ông Park Hang-seo sẽ phải tính toán xa hơn 90 phút khác với trận Malaysia tiếp Myanmar sẽ là sống mái của hai đội để giành vé vào bán kết.
Dự đoán là Myanmar khó trụ nổi ở “chảo lửa” Bukit Jalil gần 90.000 khán giả, nơi Malaysia từng đăng quang năm 2010.
Vấn đề của đội tuyển Việt Nam là phải tính xa hơn cho vòng knock out ở bán kết và tất nhiên là thầy trò ông Park Hang-seo không muốn sớm phải gặp Thái Lan.
Tránh Thái chẳng xấu mặt nào và hiện nay tại bảng A thì rõ ràng chỉ đội tuyển Việt Nam mới dễ tính.