Từ sáng sớm 9-7, bà Lý Tuyết Cầm đã đến Hội trường thành phố tìm đến số ghế thứ tự của mình. Hôm nay, bà chính thức trở thành công dân Việt Nam.
Thao thức chờ được trao quốc tịch
Hơn 30 năm qua, bà Cầm vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân đến đất nước này. Bà kể: “Ngày 17-4-1975, tôi đang làm mướn cho một nhà gần sông Chợ cũ (Campuchia) thì Pôn Pốt bắn súng kêu mọi người phải đi khỏi thành phố. Tôi không kịp về nhà bên kia sông để gặp gia đình lần cuối, cứ cắm đầu mà chạy theo dòng người phía trước, rồi lưu lạc và đậu lại ở đất Đồng Tháp”. Ở đây, bà đi giúp việc nhà cho người ta, rồi sau đó lên Sài Gòn. Quá nhớ nhà mà không biết đường về, chủ nhà giúp bà đăng tin trên báo tìm người thân bên Campuchia. Năm 2005, 30 năm sau ngày chạy loạn, bà mới tìm gặp được người em gái duy nhất còn sống sót trên quê nhà trong trận càn...
Nắm tay vợ đến buổi lễ trao quốc tịch, ông Tôn Can Phan nói đêm qua cả nhà thao thức vì hôm nay ông trở thành công dân Việt Nam chính thức. Gia đình ông Phan gồm 21 người đặt chân đến Việt Nam ngày 26-10-1975 khi cùng cảnh chạy loạn như bà Cầm nói trên. Nhiều năm nay gia đình ông sống tại ngã tư Bảy Hiền bằng nghề buôn bán điện tử. Mỗi lần đi lại ông đều phải nhờ bà chở vì chưa có giấy tờ đầy đủ để làm bằng lái xe. “Nay có cái quốc tịch là mừng muốn chết. Tui sẽ đi nhập cho ông cái hộ khẩu, làm chứng minh thư, làm bằng lái xe rồi mua cho ông một chiếc xe để chạy hén” - bà nhìn ông cười.
Vợ chồng ông Tôn Can Phan vui mừng với quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam. Ảnh: TM
Trong số những người được trao quốc tịch, đa phần là người có nguồn gốc từ Campuchia, ngoài ra còn có những người đến từ nhiều nước khác. Bao nhiêu năm nay, ông Peter Rolkle sống tại huyện Bình Chánh với vợ con như bao người dân khác ở đây, rất ít người biết ông chưa có quốc tịch. Cha ông là người Đức đi lính cho Pháp tại đây, lấy mẹ ông là người Việt Nam. Hết chiến tranh, ba ông về nước bỏ lại mẹ con ông bơ vơ. Ngày cưới vợ, ông không dám làm rình rang vì không có quốc tịch nhưng cán bộ xã đã động viên ông đi làm giấy đăng ký kết hôn và làm đám cưới đường hoàng như người ta. Mắt nhìn xa xăm, ông nói: “Năm 1983, cao ủy Liên Hiệp Quốc gửi giấy mời cho tôi qua Đức sống cùng cha nhưng tôi không đi. Đi thì người Việt Nam nhớ người Việt Nam, tôi chỉ muốn sống ở nơi này. Chờ ít phút nữa, cầm cái quyết định công nhận quốc tịch trên tay là ngày mai tui đi làm giấy tờ, làm hộ chiếu mà đi tìm cha một lần xem mặt ông như thế nào”.
Muốn được đóng góp nhiều hơn
Buổi lễ trao quốc tịch bắt đầu. Mọi người cùng trang nghiêm chào cờ, hát quốc ca trong niềm xúc động khôn tả. Sau khi bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, thay mặt đọc quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, 576 người lần lượt được trao quốc tịch, tặng hoa và cuốn Hiến pháp nước Việt Nam, trong đó có những điều khoản nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ông Hoàng Kim Chiến, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, phát biểu: “Kính thưa bà con cô bác. Con người ta sinh là tự do và có quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong một xã hội dân chủ văn minh thì quyền tự do ấy phải được gắn liền và đặt trong mối quan hệ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội. Các cơ quan, ban, ngành đã nỗ lực hết sức để có ngày vui hôm nay. Mong bà con có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, trong học tập, làm ăn, trong việc thực thi trách nhiệm của người công dân với nước nhà”. Nhiều tràng vỗ tay vang lên.
Cầm quyết định về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam trên tay, anh Quách Tấn Thành xúc động: “Hơn 20 năm qua, đất nước Việt Nam đã cưu mang chúng tôi trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Chúng tôi thực sự yêu mến đất nước này và đã hình thành trong mình tình cảm gắn bó không thể tách rời giữa chúng tôi với nơi đây. Với tình yêu đó, chúng tôi luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cho dân tộc mà chúng tôi đặc biệt mến yêu”.
VN là một trong những nơi giải quyết tốt nhất Trong Luật Quốc tịch có một điều rất mới là những trường hợp nào cư trú ở Việt Nam ổn định trên 20 năm thì được nhập quốc tịch Việt Nam, điều kiện để nhập được rất nhiều ưu ái so với trường hợp khác (không phải đóng phí, không cần giấy chứng nhận về ngôn ngữ…). Chính vì thế nhiều bà con rất phấn khởi vì được nhập quốc tịch Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Từ khi luật này có hiệu lực đến nay, Bộ Tư pháp thông báo cho chúng tôi là có trên 5.000 người đã nhập quốc tịch trên cả nước. Đây là đợt thứ hai TP.HCM tổ chức trao quốc tịch, đợt trước là hơn 240 người, đợt này trên 570 người, trong tương lai gần có thêm nhiều người nữa. Phải nói là cuộc sống bà con không quốc tịch còn khó khăn, có thể họ không khó khăn về kinh tế nhưng khó khăn về mặt pháp lý: Không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Muốn sở hữu chiếc xe máy cũng không được, muốn có giấy phép lái xe cũng không thể, muốn hành nghề xe ôm cũng chịu. Đi nước ngoài thì không thể được vì không có hộ chiếu… Tuy nhiên, so với những người không quốc tịch ở nước ngoài thì bà con có cuộc sống tốt hơn nhiều. Nguyên do là chính quyền địa phương giúp họ nhiều, người không quốc tịch vẫn được coi là người địa phương, được hưởng những quyền lợi mà người Việt Nam được hưởng như tiêm chủng miễn phí cho trẻ em, trợ cấp nếu gặp khó khăn… Trong khu vực có hơn hai triệu người đang sống trong tình trạng không quốc tịch, nằm rải rác ở các nước như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam… Liên Hiệp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong những nơi giải quyết tốt nhất về vấn đề người không quốc tịch so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ông VŨ ANH SƠN, Trưởng phái đoàn Cao ủy Liên Hiệp Quốc |
THANH MẬN