Khổ vì không có CMND - Bài 2: Mong nhìn thấy CMND khi xuôi tay

Đã mấy chục năm, gia đình ba bốn thế hệ của bà Nguyễn Thị Năm bán nhang ở cổng chùa Xá Lợi, quận 3 quây quần sống trong tình trạng không ai có CMND. Nghề nghiệp những người trẻ cháu bà Năm cũng tạm bợ lây lất.

Ba bốn thế hệ không có CMND

Bà Năm quê ở Cai Lậy (Tiền Giang). Năm 1945, bà theo cha lên Sài Gòn đi ở đợ. Sau 1975, bà lấy chồng, mướn nhà ở ven kênh Thị Nghè ở, ban ngày bán rau củ ở chợ Cầu Ông Lãnh. Có hai người con thì chồng bà mất, ba mẹ con dắt díu nhau thuê nhà ở trọ tại phường 15, quận Bình Thạnh từ đó đến nay. “Đời cha mẹ không có giấy tờ gì nên chúng nó cũng vậy. Hai đứa học được mấy lớp học tình thương rồi nghỉ, đứa đánh giày, đứa bán vé số” - bà Năm kể. Cách đây hơn 10 năm, con trai bà chết, để lại một đứa cháu nội. Mấy năm sau, con gái bà bỏ nhà đi biệt, để lại ba đứa cháu ngoại. Bốn đứa cháu của bà Năm nhỏ nhất cũng đã trên 20 tuổi nhưng không ai có CMND. Trước đó, cả bốn người đã được mái ấm Thảo Đàn hỗ trợ làm giấy khai sinh.

Bà Nguyễn Thị Năm cùng cháu chắt tại quầy bán nhang luôn mong mỏi có CMND. Ảnh: TM

Bà Năm kể: “Có một chú công an tốt bụng thương tình cho cả nhà tôi vào KT3 (tạm trú dài hạn) tại địa chỉ nhà ổng từ hai năm trước, mừng lắm cô. Nhưng chỉ vào được KT3 thôi, không thể xin nhập hộ khẩu vào đó được”. Không hộ khẩu nên cả nhà bà chẳng ai có CMND. Mấy đứa cháu đi xin việc nơi đâu người ta cũng từ chối, kể cả chỗ bán cơm tấm, phụ quán cà phê người ta cũng đòi CMND. Nản chí, một người đi đánh giày, hai cháu gái thì phụ bà Năm bán nhang đèn tại cổng chùa. Một cháu nội của bà được UBND phường 15 nhận vào làm bảo vệ. Khoảng ba tháng nay, cháu ngoại bà Năm sinh con. Vậy là bà Năm đã có chắt.

Những ngày mưa này, chái bạt của quầy hàng nhang đèn nhà bà Năm lại thêm vá chằng vá đụp. Hỏi bà có muốn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của Nhà nước để nghỉ ngơi an dưỡng khi đã ở tuổi 84 với nhiều bệnh hành hạ không, bà lắc đầu, vì cháu chắt còn lăn lộn với đời ngoài này, làm sao yên tâm. Bà bảo nếu có mệnh hệ gì thì đã có người lo. Năm trước, một đoàn từ thiện hứa sẽ lo cho bà cái hòm, làm tang lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Nhìn xa xăm, bà Năm vừa nói vừa thở một cách mệt nhọc: “Đời tui khi sống khổ hết biết, khi chết có người giúp vậy là an lạc rồi. Chỉ mong trước khi nhắm mắt được nhìn thấy cái CMND của tui với mấy đứa nhỏ. Cái tờ giấy nhỏ xíu à mà sao khó có được nó quá!”.

Cả nhà lấy khai sinh làm bửu bối

Sinh năm 1964, chị Nguyễn Thị Phượng lớn lên trong cô nhi viện Thánh Tâm (Đà Nẵng) với tên Bé Ba. Năm 1974, một gia đình ở Sài Gòn đã nhận chị về nuôi và đặt tên lại như bây giờ. Năm 1975, họ vượt biên mà không (hoặc quên) mang chị theo. Từ đó chị bắt đầu lang thang, ngày đi nhặt ve chai, tối ngủ lây lất vỉa hè, công viên. Năm 17 tuổi (1981), chị lấy chồng rồi sinh ba đứa con. Nhưng rồi vì mắc bệnh nặng, chồng chị âm thầm bỏ đi để vợ đỡ món tiền viện phí. Một thân một mình với chiếc xe đạp cà tàng mắc hai bao bố phía sau, chị tha lũ con nheo nhóc đi khắp TP lượm ve chai.

Năm 1996, chị gá nghĩa với một người cùng hoàn cảnh. Lấy Công viên 23-9 làm “đại bản doanh” và có thêm một bé trai vào năm 2000. Cố gắng dành dụm, vay mượn, năm 2005 họ mua được căn nhà 18 m2 cất trên đất lấn chiếm sát mé sông Sài Gòn với giá 5 triệu đồng, trả thành sáu đợt. “Cũng muốn đăng ký kết hôn sống cho đàng hoàng nhưng tụi tui không có giấy khai sinh, không hộ khẩu nên đành thôi” - chị Phượng nói.

Vì không giấy tờ, bốn đứa con chị Phượng gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc. “Mấy anh em chỉ kiếm những việc không đòi trình độ như bán hàng, phụ hồ, bốc vác, nhân viên vệ sinh. Nhưng cả những việc đó cũng khó tìm vì khi người ta hỏi đến giấy tờ, tụi em đều không có” - con gái chị Phượng bày tỏ.

Chị Phượng nhiều lần tìm hiểu làm CMND nhưng: “Các anh công an phường nói rằng muốn làm giấy chứng minh thì phải về nơi thường trú làm, đó là quy định. Khổ nỗi trong sổ KT3 phần thường trú cũng chỉ ghi là nhà tế bần, cô nhi viện. Sau bao năm, những nơi đó có tồn tại nữa đâu”. Biết được hoàn cảnh của chị Phượng, một người tốt bụng đã giúp đỡ để chị tìm lại cô nhi viện nơi chị từng ở. Hơn 10 ngày tại Đà Nẵng, hỏi dò từng người, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, mặc dù không tìm được dấu tích cô nhi viện Thánh Tâm (vì đã bị phá hủy) nhưng may mắn tìm được sơ Hương, người đã nuôi dạy chị tại cô nhi viện (năm nay sơ đã 87 tuổi). Sơ xác nhận vào tờ trình rằng chị đúng là trẻ mồ côi từng ở cô nhi viện, UBND phường Hải Châu cũng đã xác nhận cho chị.

Thấm thía hoàn cảnh khó khăn cơ cực của mình, chị Phượng bảo dù khó khăn thế nào chị cũng sẽ cố gắng để các con, rồi cháu của chị có được tấm giấy CMND!

THANH MẬN - THU HƯƠNG

Gốc cây của những phận đời không giấy tờ

Gốc cây điệp ở chợ Xóm Chiếu, ngay góc ngã ba Lê Thạch-Lê Văn Linh (quận 4) bao nhiêu năm nay là nơi trú ngụ, mưu sinh của gần 10 con người không có CMND.

Nguyễn Văn Tùng nhớ hình như mình khoảng 27 tuổi. Em gái Tùng, Nguyễn Thị Ly thì khoảng 24. Tùng cho biết trước đây ở nhà bà ngoại, năm 2008, bà mất và có người cho biết ngoại đã sang tên bán nhà cho người ta. Từ đó, cả nhà ra đường ở.

Cha mẹ Tùng ngày trước cũng có giấy tờ tùy thân nhưng khi cha chạy xích lô đụng người ta, họ đòi bồi thường mà không có tiền nên bị giữ hết giấy tờ hộ khẩu, CMND. Về sau, người đó mất và giấy tờ thất lạc theo luôn. Riêng cha của Tùng đã nhập được hộ khẩu vào nhà bà nội, thuê nhà trọ để ở. Tùng, Ly và những cháu khác, bà nội không cho nhập vào.

Khổ vì không có CMND - Bài 2: Mong nhìn thấy CMND khi xuôi tay ảnh 2

Cuộc sống hằng ngày của chị Cúc, anh Tùng, chị Ly (từ trái qua) và những đứa con của Ly dưới gốc cây điệp ở chợ Xóm Chiếu. Ảnh: TM

Tùng là anh cả của bốn đứa em, không ai có giấy tờ tùy thân nào cả, kể cả khai sinh. Hằng ngày Tùng dọn hàng quán cho người ta ở chợ Xóm Chiếu. Các em khác đi rửa chén cho quán ăn. Riêng Ly đi bán vé số từ nhỏ, mới đây Ly đã sắm được chiếc xe bán trái cây. Năm 15 tuổi, Ly lấy chồng, giờ đã có năm mặt con, đứa nhỏ nhất mới ba tháng tuổi. Tất cả đứa con của Ly đều bán vé số và đen nhẻm. Gần 10 nhân khẩu, trong đó có năm đứa trẻ sống quay quắt ngoài góc đường bao nhiêu năm nay. Tắm rửa thì vào nhà vệ sinh công cộng của chợ.

Cũng dưới gốc cây này, chị Nguyễn Thị Cúc (28 tuổi) cũng là một hoàn cảnh khốn khổ khác.

Mẹ mất khi chị mới một tháng tuổi, ở với ngoại đến sáu tuổi thì bà gửi vào “Hội bạn và thiếu niên vào đời sớm” ở đường Đoàn Như Hài gần đó. Chuyển qua nhiều cơ sở bảo trợ trẻ em khác như Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và tàn tật Thị Nghè, mái ấm Hoa Hồng Nhỏ… Đến năm 1999, khi cha mất, Cúc về ở nhà bà nội tại quận 4. Rồi Cúc lấy chồng, sinh con. Năm ngoái, người cô lấy nhà bà nội lại để cho thuê, cả gia đình Cúc kéo về huyện Nhà Bè mướn nhà trọ. Ban ngày Cúc và các con bán trái cây, vé số quanh khu chợ Xóm Chiếu, tối thì cả nhà kéo về huyện Nhà Bè ngủ. Ba chị em nhà Cúc, một thì đã mất, hai người còn lại không ai có giấy tờ gì. Khi những dòng này đến với bạn đọc, Cúc đang lo xếp đồ để đi sinh đứa con thứ tám!

THANH MẬN

“Có mấy lần con tui chạy xe máy đi làm, bị công an vịn lại mà không đưa ra được giấy tờ nên bị tạm giữ. Tui phải cầm giấy khai sinh của con chạy lên công an, trình bày kể khổ mới bảo lãnh được chúng ra” - chị Nguyễn Thị Phượng kể. Đám con chị đứa nào cũng có mỗi giấy khai sinh làm bảo bối. Chị cất rất kỹ và chỉ lấy ra dùng khi có việc gấp. Chị bảo mấy đứa con cũng muốn thi bằng lái ra đường cho an toàn nhưng không có giấy tùy thân nên cũng… khỏi thi gì luôn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm