Khổ vì không có CMND - Bài 1: Lây lất “hạt bụi đời”

LTS: Vì không làm được chứng minh nhân dân (CMND), cuộc sống của nhiều người gặp muôn vàn vướng trở. Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu và ghi nhận lại câu chuyện của những người trong cuộc.

Nguyễn Hiệp Hưng được sinh ra tại TP.HCM nhưng không hiểu vì đâu người sinh thành đã từ bỏ anh mà không để lại một dấu tích gì. Năm 1983, Hưng được đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và tàn tật Thị Nghè.

31 tuổi vẫn tự hỏi mình là ai

Đến 14 tuổi, Hưng được chuyển sang Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP, nơi đây chỉ dành cho những trẻ từ năm đến 16 tuổi. Do đó, 16 tuổi, Hưng rời trường, được giới thiệu làm việc trên một tàu hải dương với mức lương khá cao. Tưởng rằng cuộc đời sẽ chắp cánh từ đây nhưng không, khi làm thủ tục Hưng bị trả hồ sơ vì thiếu CMND. Sau này, Hưng xin việc rất nhiều nơi nhưng đều thất bại vì nơi đâu cũng đòi mảnh giấy này. Biết được hoàn cảnh bấp bênh không đủ sống của Hưng, ban giám đốc trung tâm cho nương náu tại đây đến năm 24 tuổi mới chính thức bước ra đời. Ở đây, Hưng được ban giám đốc trung tâm đứng ra bảo lãnh về nhân thân để được vào làm công nhân tại một công ty ở Bình Chánh.

Nguyễn Hiệp Hưng với xấp giấy tờ đi làm thủ tục CMND bao năm nay vẫn chưa được. Ảnh: TM

Khi thuê nhà để ở, do không có CMND nên cứ mỗi lần công an kiểm tra thì chủ nhà trọ lại muốn đuổi anh đi. Với Hưng, việc chuyển chỗ trọ như cơm bữa. Công việc tại công ty không ổn định, Hưng nghỉ làm và xin đi giữ xe với mức lương cao hơn vài chục ngàn đồng. Làm mãi vẫn không tăng lương, không được ký hợp đồng vì không có CMND. Mới đây, Hưng đã bỏ nghề để đi làm phụ hồ. Vừa gặp lại Hưng, nghe anh than trời: “Công trình đã xong và tôi lại đang thất nghiệp. Ước gì tôi có một việc làm, bất kể việc gì cũng được, đi đâu người ta cũng hỏi giấy tờ tùy thân mới yên tâm giao việc”.

Kể từ khi rời khỏi Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP, đi đến đâu Hưng cũng hỏi thủ tục làm CMND. Lúc nào trong túi anh cũng có một chồng những giấy tờ như giấy tạm trú, thẻ cử tri… để sẵn sàng tư thế làm… CMND. Dĩ nhiên là Hưng vẫn chưa thể làm được, vì trong mớ giấy tờ đó, Hưng không có hộ khẩu thường trú.

Hưng là một trong số những “hạt bụi đời” không may đã rời khỏi Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP từ trước năm 2009. Sau này, trung tâm đã làm được sổ hộ khẩu tập thể.

Lận lưng bằng giấy xác nhận trẻ mồ côi

Một trường hợp khác, Phan Hoàng Giang sinh năm 1990, quê Hậu Giang (Cần Thơ). Ngay từ khi mới được sinh ra, cha mẹ anh vì hoàn cảnh quá nghèo khó đã mang anh cho người khác nuôi. Chuyện này anh biết qua lời kể của cha mẹ nuôi.

“Tôi ở với gia đình cha mẹ nuôi đến năm tám tuổi thì lại một lần nữa bị bỏ rơi. Tôi còn nhớ mang máng lần đó cha mẹ nói sẽ đưa tôi lên thành phố (Sài Gòn) chơi, tôi vui lắm vì lần đầu tiên được đi xa. Nhưng rồi tới thành phố, chẳng ngờ người ta dắt tôi tới trước cửa Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên quận Gò Vấp, rồi nói tôi ngồi chờ để họ đi mua bánh. Chờ mãi cả ngày hôm đó, đêm ngủ ngoài trời, rồi chờ tới chiều tối hôm sau mà không có ai quay lại. Dù còn nhỏ nhưng tôi lờ mờ biết người ta đã cố ý bỏ tôi. Từ đó, tôi bắt đầu cuộc sống lang thang, bụi đời. Gặp đâu ngủ đó, kiếm được gì, xin được gì ăn nấy…” - anh Giang buồn bã kể lại tuổi thơ bất hạnh của mình.

Một tháng sau khi bị bỏ rơi, anh may mắn được một người dân tốt bụng thương cảm cưu mang. Nhưng gia đình này cũng quá nghèo, lại đông con nên họ gửi anh vào Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP. “Hồi đó còn nhỏ quá, tôi không còn nhớ nổi gia đình tốt bụng đã giúp đỡ mình ở đâu. Nhưng suốt đời này tôi mang ơn họ, vì nhờ họ mà tôi đã có nơi ăn chốn ở, được các thầy cô ở trung tâm dạy dỗ, giúp cho tôi có được mảnh giấy khai sinh” - anh Giang xúc động khi nhắc tới ân nhân đã cứu giúp mình.

Do học hành ngoan ngoãn, không quậy phá, 10 tuổi anh được trung tâm xét chuyển xuống Mái ấm quận 8. Thời gian này anh vừa học văn hóa, vừa cố gắng học thêm về công nghệ thông tin để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập. Theo quy định, 16 tuổi là trẻ mồ côi không còn được ở mái ấm nữa, như nhiều trẻ khác, Giang cũng buộc phải rời mái ấm khi mới học xong lớp 8.

Cố gắng làm một “hạt bụi sạch

“Trước khi ra khỏi mái ấm, tôi và các thầy tại đây cũng đã nỗ lực nhiều để có một tấm giấy CMND nhưng không được vì tôi không nhớ nhiều về quê quán cũng như không thể nhập được hộ khẩu vào trung tâm vì chưa có quy định. Vậy là tôi và nhiều bạn khác đã ra đời tự lập trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn là chỉ có giấy xác nhận là trẻ mồ côi cùng tờ giấy khai sinh” - anh Giang nói.

Từ đó, anh làm đủ mọi nghề để sinh sống như chạy bàn cho quán nhậu, quét dọn, bốc vác, bán hàng… Nghề gì lương thiện mà kiếm sống được là anh làm nhưng khổ một nỗi là chẳng thể ổn định vì không có CMND hoặc giấy tạm trú để chứng minh chỗ ở. Do đã học về công nghệ thông tin, anh kiêm thêm việc sửa chữa máy tính dạo mỗi khi có người kêu. “Làm cực vậy mà vẫn chỉ đủ trả tiền nhà trọ, bữa đói bữa no vì đâu phải lúc nào cũng có việc để làm” - anh Giang buồn buồn.

Sống ở TP.HCM chi phí quá cao, anh Giang cùng một số người bạn có chung hoàn cảnh đã chia nhau đi khắp nơi kiếm sống, mỗi người một nghề. Hơn một năm nay, anh dạt về Vũng Tàu. Vẫn nay phụ bàn, mai bốc vác, rồi sửa chữa máy tính lặt vặt để kiếm sống qua ngày. “Tôi không ngại khó, ngại khổ. Tôi muốn có một công việc để làm, để kiếm sống như những người tốt nhưng khó quá, vì chủ nào cũng yêu cầu người làm phải có giấy tờ. Lúc nào tôi cũng mong Nhà nước sẽ có quy định, tạo điều kiện cấp cho những người có hoàn cảnh như tôi và nhiều bạn mồ côi khác một tấm giấy CMND để chúng tôi có thể dễ dàng hơn trong cuộc sống” - anh Giang mong mỏi.

THANH MẬN - THU HƯƠNG

Sẽ tìm cách gỡ vướng

Chúng tôi đã cho rà soát lại tất cả mái ấm, các cơ sở bảo trợ xã hội để tìm hiểu xem trường hợp nào đã đến tuổi mà chưa làm CMND, vì sao vướng… Khi có kết quả, chúng tôi sẽ cùng ngồi với Sở Công an TP.HCM để cùng tìm cách gỡ vướng cho những trường hợp này.

NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được có giấy khai sinh, có nơi cư trú và được sống với cha mẹ. Nếu không có cha mẹ thì có cha mẹ thay thế, người giám hộ, người đỡ đầu… Giấy CMND còn quan trọng hơn cả giấy khai sinh nữa vì tờ giấy này gắn với rất nhiều quyền lợi của công dân. Các cơ quan chức năng cần tháo gỡ những vướng mắc pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa không bị thiệt thòi quyền của công dân, nhất là với những công dân có hoàn cảnh đặc biệt.

Ông ĐẶNG HOA NAM, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ
Chăm sóc trẻ em

Từ năm 2009, các ban ngành của thành phố đã tháo gỡ vấn đề làm CMND cho trẻ lớn lên tại các trung tâm bằng cách làm hộ khẩu tập thể và cho các em nhập vào đó. Từ đó đến nay, trung tâm đã làm được CMND cho 56 em. Riêng với những người đã rời trung tâm trước năm 2009 để ra đời thì chúng tôi đành chịu. Chúng tôi không thể cho họ quay lại nhập vào hộ khẩu ở trung tâm được vì đã quá lớn tuổi so với tuổi quy định được ở trung tâm.

Ông NGUYỄN VĂN PHẾT, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm