Khát vọng... chứng minh nhân dân

Hai gia đình hoàn toàn khác nhau, đến từ hai vùng đất khác nhau và cái nghèo cũng khác nhau nhưng đều có chung hoàn cảnh là đông con và tất cả thành viên đều không một mảnh giấy lận lưng. Dường như có một vòng tròn bất tận đang đeo đuổi họ: nghèo khổ, không giấy tờ tùy thân, mải lo bươn chải mưu sinh, không được học hành đến nơi đến chốn...

Phận đời nổi trôi

Ngôi nhà đầu tiên tôi đặt chân đến nằm bên đường Ngô Sĩ Liên, phường 14, quận 8, TP.HCM. Gọi là nhà thì không đúng, vì nơi họ ở chỉ là một bãi đất trống, sụt sùi đất, cát, dưới những tán cây trứng cá. Chỗ nằm ngủ của người mẹ hơn 50 tuổi và năm đứa con đã đến tuổi trưởng thành được ghép từ hai mảnh ván gỗ ép đã sờn, hai cái ghế sô-pha của nhà ai đó bỏ đi với một cái võng mắc ngang hai cây trứng cá. Ban ngày, cái bạt che sương, che mưa được thu gọn lại, tối bung ra, bốn góc trấn bằng bốn cục đá nặng...

Người mẹ ấy là bà Trần Thị Phương, quê gốc ở vùng thị trấn Ba Ngòi, Cam Ranh (Khánh Hòa). Năm 1975, cha mất, nhà nghèo, bà bỏ nhà vào Sài Gòn tìm cuộc sống mới rồi lập gia đình. Từ đó đến năm 1990 là quãng thời gian lênh đênh, chìm nổi của vợ chồng bà qua ba lần đi kinh tế mới và một lần về lại Nha Trang, cuối cùng là trụ lại TP.HCM.

Không có tiền mua đất cất nhà, vợ chồng bà dành dụm mua được chiếc ghe đậu ở bến cầu số 1, sông Bến Bình Đông (quận 8). Ngày ngày, chồng bốc vác, vợ đội mâm càng ghẹ rang muối đi bán từ sớm tới khuya. Nhưng đến năm 2003 thì gia đình bà phải dọn lên bờ vì ngành đường thủy yêu cầu không được đậu ghe ở đó nữa. Cũng năm này, chồng mất, một mình bà phải bươn bả nuôi năm đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sau đó, chủ nhà lấy nhà lại, bà và các con đùm túm nhau ra bãi đất bên đường Ngô Sĩ Liên bắt đầu sống cảnh màn trời chiếu đất...

Tuy sống ở TP gần hai chục năm nhưng vợ chồng bà không có hộ khẩu, cũng chẳng có một mảnh giấy tùy thân lận lưng. Chỉ đến khi con cái không được đến trường và khi chúng vào đời, người mẹ khốn khó mới nhận thấy việc không có giấy tờ là thiệt thòi biết bao. Ngay cả việc thuê nhà cũng không được vì không có giấy chứng minh nhân dân, “ai biết mẹ con bà là ai”?! Cả nhà cũng chỉ có hai đứa nhỏ biết mặt chữ do theo hết lớp một ở trường tình thương bên xóm đạo...

Cái nghèo bám riết

Cũng bị cái nghèo bám riết, cũng hoàn cảnh không một mảnh giấy lận lưng nhưng hoàn cảnh cha con ông Vương Việt Thiện ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM đỡ cám cảnh hơn vì còn có một miếng đất cất nhà. Năm 2003, sau một cơn bạo bệnh, vợ ông qua đời. Người đàn ông tứ tuần héo mòn vì sức khỏe đã bán theo những bao hàng nặng trên vai, giờ lại thêm nỗi đau mất vợ. Đằng sau ông là một đàn con dại mười đứa, trong đó đứa nhỏ nhất vẫn chưa dứt vú mẹ.

Tôi đến nhà ông đúng ngày mấy cha con ông đang gỡ những tấm phên lá dừa cũ nát để dặm lại lượt lá mới trước khi mùa mưa về. Trong câu chuyện trên đường về nhà với thằng Lớn (tên đầy đủ là Vương Quốc Sang) - con trai ông, tôi biết nó luôn ray rứt vì chưa kiếm đủ tiền để phụ cha làm lại cái nhà cho tử tế trước mùa mưa. Nó bảo tôi: “Chị thấy nhà em là sợ liền, mùa mưa tới là chả biết trú vào đâu”. Mà thật, ngồi dưới mái nhà lợp bằng ngói phi-brô-xi-măng, tôi ngó thấy cả mảng trời chiều xám xịt qua những lỗ thủng bằng nắm tay mà thấy nao lòng cho những cảnh đời khốn khó...

Hàng ngày, ông Thiện chở hai đứa con sang chợ cá Bình Điền lượm cá rơi từ chiều tối tới sáng sớm về bán lại cho người trong xóm để đắp đổi qua ngày. Nhà mười đứa con mà mới chỉ có thằng Lớn và cô con gái thứ hai tự lo được cho mình và ở riêng. Còn lại các con và cả đứa cháu ngoại cũng xúm xít ở với ông trong căn nhà lá. Chị con gái lớn của ông - nói với cái giọng thào thào như nói thầm, rằng thì thỉnh thoảng người ở xã có trợ cấp gạo cho gia đình, còn gạo ăn ngày nào mua ngày đó...

Những vòng tròn bất tận?

Nguyễn Văn Phi là người con thứ năm của bà Phương, năm nay 19 tuổi. “Em đang học sửa xe ở gần Bưu điện quận 5 với đứa bạn. Trước mắt, em tính làm thợ sửa rồi dành dụm tiền thuê mặt bằng mở riêng đặng mai mốt mẹ em già, em còn lo được. Nhưng hoàn cảnh nhà mình thế, chẳng biết bấu víu vào đâu để thực hiện ước mơ của mình” - Phi tâm sự. Tôi hiểu nỗi băn khoăn của Phi, bởi không biết đến bao giờ em mới có được tấm giấy chứng minh nhân dân để tự mình xác lập những quan hệ như mua xe, thuê nhà, mở tiệm sửa xe...

Chị gái Phi thì ngày ngày vẫn đẩy xe đi bán hàng rong để nuôi hai đứa con nhỏ, cũng đang học nhờ trong trường tình thương bên xóm đạo. Nhưng một người mẹ không biết chữ thì làm sao có thể dạy con tập viết hay làm toán. Nhìn những đứa trẻ lem luốc ham chơi hơn đi học chữ, tôi lại liên tưởng đến những vòng tròn bất tận...

Sang bộc bạch: “Giờ em chỉ có hai điều ước. Một là dành dụm được tiền lo phụ ba sửa lại cái nhà cho chắc chắn để mấy đứa em được ngủ ngon. Hai là làm được giấy chứng minh nhân dân cho cả nhà, để anh em em ra đời đi xin việc được dễ dàng và còn nhiều cái khác cần đến tờ giấy đó nữa...”.

“Cái khác” ấy là Sang đang chuẩn bị lấy vợ nhưng vì không có giấy chứng minh nhân dân hay hộ khẩu nên không biết sao mà đăng ký kết hôn. Chị gái Sang lấy chồng mà không được làm đăng ký kết hôn cũng vì không giấy tờ tùy thân. Đến khi đi khai sinh cho con, người ta lại hướng dẫn chồng chị ghi ở phần của người mẹ là mất tích! Chị dù không biết chữ nhưng tâm thức người mẹ sợ mất con nên chị không đồng ý làm khai sinh như vậy. Đến nay, đứa bé đó vẫn chưa có giấy khai sinh, cũng chưa được nhập hộ khẩu theo cha...

Bà Trần Thị Phương muốn thông qua bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM tìm lại người em trai tên Trần Văn Đèo. Năm 1969, ông Đèo khoảng năm tuổi được cha là Trần Văn Kiết đưa vào cô nhi viện. Năm 1975, gia đình có vào tìm nhưng nghe nói ông đã được di tản sang Mỹ. Khoảng năm 1999-2000, bà Phương nghe người hàng xóm nói chuyện có người Việt kiều Mỹ về nước tìm cha, mẹ trên tivi đúng với tên cha, mẹ bà nhưng vì nhà không có tivi nên không biết.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm