Nhưng muốn có chứng minh nhân dân thì phải có hộ khẩu... Với vòng lẩn quẩn này, chừng nào em mới hết vô danh trong căn nhà của cha mẹ để lại?”. Từ nỗi bức xúc của em Nguyễn Thị Thành Ý (phường 14, quận 10), chúng tôi đã đi tìm hiểu thực hư.
Năm 1990, ông Lương Sinh (cha của Ý) mua căn nhà 252/9 (số cũ) Lý Thường Kiệt bằng giấy tay. Căn nhà trên thuộc sở hữu nhà nước và ông Sinh chưa làm thủ tục chuyển quyền thuê nhà. Sau đó, ông Sinh và ba đứa con được chủ nhà cũ bảo lãnh nhập hộ khẩu vào căn nhà trên. Năm 1993, vợ chồng ông Sinh mất. Người chủ nhà cũ cũng mất liên lạc từ đó.
Rắc rối xảy ra khi mấy anh em Ý đến tuổi đi học. Vì hộ khẩu do người chủ cũ bảo lãnh không có hồ sơ gốc nên không được xem là có giá trị. Các em lâm vào tình cảnh “ba không”: không hộ khẩu, không KT3, không chứng minh nhân dân. Từ cấp hai trở lên, mấy anh em chỉ được học trường dân lập.
Năm 2005, khi Ý đi làm hộ khẩu thì công an yêu cầu phải có hợp đồng thuê nhà. Theo hướng dẫn của Công ty Dịch vụ công ích quận 10, Ý phải có giấy chứng nhận độc thân và chứng minh nhân dân. Kẹt nỗi vì em không có mảnh giấy tùy thân lận lưng nên phường đã từ chối chứng nhận giấy tờ cho em.
Tháng 7 vừa qua, nhờ bà con chòm xóm và tổ trưởng tổ dân phố xác nhận mà công an phường đã linh động cấp KT3 cho chị em Ý. Kế tiếp, ủy ban phường đã đồng ý cấp giấy độc thân cho Ý sau khi em nộp giấy xác nhận không có chứng minh nhân dân (có dán ảnh, chữ ký của cảnh sát khu vực). Tuy nhiên, em chưa biết ăn nói thế nào với quận về việc không có chứng minh nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Phương, Chánh văn phòng UBND quận 10, cho biết: “Khi nộp hồ sơ tại UBND quận, Ý có thể đem theo giấy xác nhận không có chứng minh nhân dân (có dán ảnh và được công an phường chứng nhận) để tiện việc nhận diện. Quận sẽ cố gắng tháo gỡ dần để em có thể hoàn tất thủ tục hợp thức hóa việc thuê nhà”.
Mong rằng từ hợp đồng thuê nhà chính thức, Ý sẽ có hộ khẩu và chứng minh nhân dân trong năm nay “để sang năm em có thể đi thi đại học!” như ao ước của cô bé mồ côi.
N.HÀ