Trẻ chìm trong internet, game quá 4 giờ mỗi ngày, có thể nghĩ tới bệnh lý

(PLO)- Trẻ chìm trong internet, game quá 4 giờ mỗi ngày thì cha, mẹ nên nghĩ tới vấn đề bệnh lý, cùng các giải pháp can thiệp để cai nghiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-7, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo về mối liên hệ giữa thực trạng nghiện internet, game với sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (trái) và đồng nghiệp Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc hội thảo về nghiện internet, game và vấn đề sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (trái) và đồng nghiệp Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc hội thảo về nghiện internet, game và vấn đề sức khỏe tâm thần.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, tỉ lệ nghiện internet và game có dấu hiệu gia tăng trên toàn thế giới, trong đó cao nhất ở châu Á với 6,3% dân số. Tiếp theo là Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%).

Ở Việt Nam, một nghiên cứu được năm 2021 của Viện Sức khỏe tầm thần ở độ tuổi 10-24 cho thấy: Độ tuổi trẻ em bắt đầu sử dụng Internet là 11, trong đó 71% dành hơn 3 giờ/ngày cho cõi ảo.

Các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng là các công cụ chính được sử dụng, chiếm 98,2%.

Nội dung được truy cập nhiều nhất là game trực tuyến và mạng xã hội.

Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, khi nghiện, người chơi bị hút vào internet, game một cách bị động, dần bỏ qua các sở thích khác. Hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy giảm kết quả học tập, giảm hiệu suất công việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Khách quan có thể do xung đột tâm lý ở tuổi thanh thiếu niên, trẻ thiếu địa điểm vui chơi phù hợp lứa tuổi. Nội dung trên internet có tính sáng tạo, hấp dẫn mạnh mẽ. Gia đình, bạn bè có nhiều người chơi khiến trẻ tiếp xúc với game nhiều hơn. Bố mẹ chưa hiểu tâm lý con, coi nhẹ việc giáo dục, hướng dẫn.

“Nghiện internet được xếp vào loại nghiện hành vi”, bác sĩ Ngọc nói, đồng thời nhấn mạnh nó có thể tác động tiêu cực đến phát triển tư duy, làm giảm nỗ lực để lưu giữ thông tin trong não bộ.

Đối với lứa tuổi trẻ em, tình trạng này gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển kỹ năng đọc, hiểu, phân tích và khả năng tập trung, khiến trẻ dễ dàng bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn. Lâu dần sẽ gây ảnh hưởng và làm suy yếu các mối quan hệ và tương tác xã hội, thậm chí rối loạn chức năng não bộ.

“Bố mẹ và cả gia đình nên đồng hành cùng trẻ, giám sát thời lượng và mục đích sử dụng internet của con, em mình”, bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phòng Điều trị Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai khuyến cáo.

Trường hợp không vì mục đích học tập, bố mẹ chỉ nên cho con sử dụng các thiết bị điện tử tối đa 1 giờ với ngày thường, 2 giờ trong ngày nghỉ. Đồng thường tăng cường thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tương tác xã hội...

Nếu thấy trẻ sử dụng internet quá 4 giờ/ngày thì cha mẹ nên nghĩ đến những vấn đề liên quan đến bệnh lý. Lúc đó có thể tính tới các giải pháp can thiệp, áp dụng liệu pháp hành vi, liệu pháp tâm lý, điện trị liệu, hóa trị liệu… để cai nghiện cho trẻ.

Nhưng ngay cả như vậy, tình trạng nghiện vẫn có nguy cơ tái phát nếu trẻ không được gia đình đồng hành, giám sát và can thiệp liên tục, kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm