Đường dây nóng hỗ trợ trẻ em bị buôn bán trực thuộc sự quản lý của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Những cuộc gọi lúc nửa đêm
Hơn 12 giờ đêm 8-1-2015, tổng đài đổ chuông dồn dập. Đầu dây bên kia là thông báo của anh công an viên TVK, thôn Lũng Buông, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang: Em L., sinh năm 2000, bị tên Lý Văn Duyên, xã Minh Tân lừa đưa sang Trung Quốc một tháng trước đó. Hiện em L. bị nhốt trong một phòng ở quán karaoke nhưng không biết rõ địa chỉ. Trưởng tổng đài Hoàng Lê Thủy, Phó Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, xác định đây là vụ có dấu hiệu mua bán người nên lập tức kết nối với trưởng phòng CSĐT và phòng, chống tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Hà Giang. Công an tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng thông tin cho công an Trung Quốc để định vị em L. đang ở đâu theo số điện thoại gọi về. Nhờ đó, em L. đã được giải cứu về địa phương và hiện đang đi học bình thường.
Anh NHT ở Tây Hồ (Hà Nội) gọi lên tổng đài báo trường hợp hai con của anh (sinh năm 1997 và 2000) bị mất liên lạc từ ngày 23-11-2013. Hai cháu bị một phụ nữ giả danh là sinh viên, dụ dỗ làm quen để đưa đi. Gia đình nghi ngờ cháu bị buôn bán sang Trung Quốc. Từ sự kết nối của tổng đài đến các cơ quan chức năng, sau đó một trong hai cháu được cơ quan công an Trung Quốc giải cứu, trao trả cho công an Việt Nam. Cháu còn lại đã bị tách riêng, đến nay vẫn chưa tìm thấy thông tin.
Chị LTT sống tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có con là NTN (sinh năm 1994), đi làm ở một công ty điện tử tỉnh Bắc Giang từ tháng 6-2014. Tháng 1-2015, N. gọi điện thoại về cho biết bị chị Thủy là người quen lừa qua Trung Quốc theo đường rừng và bị bán với giá hơn 6 vạn nhân dân tệ cho một gia đình người Trung Quốc. Hai tháng sau, hai mẹ con mất liên lạc với nhau.
Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên đường dây nóng đã cung cấp thông tin của nạn nhân cho PC45, Công an tỉnh Hà Giang. Sau một tuần, nghi can vụ buôn người bị bắt và em N. được giải cứu.
Tờ rơi tuyên truyền thông tin về đường dây nóng được phát đến học sinh. Ảnh: HL
Sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh, thành
Đường dây nóng bắt đầu tiếp nhận cuộc gọi tại tổng đài Hà Nội từ tháng 10-2013, tại An Giang từ tháng 7-2014 và Hà Giang từ tháng 10-2014. Khi người dân gọi vào các số 18008077 (An Giang), 18001282 (Hà Giang), 18001567 (Hà Nội), các cuộc gọi đều được miễn phí, hoạt động 24/24 giờ vào tất cả ngày trong tuần.
Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ-Tư vấn, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết hiện tại tổng đài có hơn 20 nhân viên trực 24/24 giờ. Các nhân viên tư vấn đa số tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, công tác xã hội, luật. Trước khi cầm máy, các nhân viên tư vấn đều được đào tạo chuyên sâu và thực hành kỹ năng như tham quan học tập kinh nghiệm về cách thức phòng, chống mua bán người và vận hành đường dây nóng tại Bangkok (Thái Lan).
Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông-Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, số điện thoại và cách thức hoạt động của đường dây nóng đã được phổ biến trên tivi, đài phát thanh, tạp chí; được in thành tờ rơi và phát đến những vùng có nguy cơ cao về nạn mua bán người. Ngoài tiếng Việt, tờ rơi cũng được chuyển ngữ sang tiếng H’Mông (Hà Giang) và Khơ-me (An Giang).
“Sắp tới chúng tôi sẽ quảng bá số điện thoại của đường dây nóng để càng nhiều người biết càng tốt. Chúng tôi đang có kế hoạch mở các tổng đài vùng ở các khu vực như Đông Nam Bộ, ĐBSCL, miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2016” - ông Hiệu nói.
Day dứt với những tiếng kêu tuyệt vọng Không phải cuộc gọi cầu cứu nào cũng có kết quả. Chị Lê Thị Mai Quyên, trưởng nhóm nhân viên tư vấn, trăn trở rằng nhân viên tư vấn luôn bị day dứt bởi một số trường hợp do không có thông tin đầy đủ, rõ ràng về nơi nạn nhân ở, nạn nhân thường xuyên bị di chuyển… nên không thể xác minh nạn nhân ở đâu để giải cứu. Trưởng ca Hoàng Lê Thủy vẫn còn day dứt mãi về trường hợp của người phụ nữ hơn 30 tuổi và con gái, quê ở Ninh Bình. Chị cầu cứu khi bị một người họ hàng lấy chồng Trung Quốc rủ sang Trung Quốc đi làm rồi lừa bán luôn. Tuy nhiên, do chị không mô tả được địa điểm mình bị giam giữ, lần theo địa chỉ chị cho ở quê nhà thì được biết chị đã đi khỏi nhà ba tháng. Do gia đình chồng phản đối chị qua Trung Quốc làm nên chị lén dẫn cả đứa con gái sáu tuổi đi theo với giấc mộng đổi đời nơi xứ người. Điện thoại của chị sau đó bị ngắt liên lạc, đến nay vẫn chưa có tin tức gì về chị. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đê hèn; đối với nhiều trẻ em; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; để đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng… (Trích Điều 120 Bộ Luật Hình sự ) |