Cày đêm.
Quán game K trên đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy, lúc nào cũng đông như trẩy hội. Một phần là vì chủ quán vừa mới nâng cấp toàn bộ màn hình LCD 19-inch rộng nên chơi game đã hơn, và một đường kết nối cáp quang siêu nhanh, giúp người chơi lướt Web, xem video gần như tức thì. 9h sáng, cái giờ mà đáng ra mấy cậu học sinh khăn quàng đỏ phải mài đũng quần trên ghế nhà trường thì lại ngồi chình ình ở quán K. Hỏi chủ quán thì mới biết đó là mấy học trò trường gần đó, sáng nào cũng “ngồi đồng” ở quán cày game. Hỏi tiền ở đâu ra mà học sinh đánh game cả ngày như thế, chủ quán - cỡ trạc tuổi trên 30 lắc đầu: “Chúng nó nhịn ăn sáng đó. Chỉ cần 20K (20.000 đồng) thì có mà đánh game cả ngày”.
Dạo qua một số quán game trên đường Tạ Quang Bửu, không khí cũng sôi động không kém. Đa phần đối tượng chơi game ở đây là sinh viên, vốn rảnh rỗi thời gian mà lại chưa tới mùa thi cử nên ngồi thả phanh chơi từ sáng đến tối. Tuy có quy định sau 12 giờ đêm các quán Net phải đóng cửa, nhưng trên thực tế không phải quán nào cũng chấp hành quy định này. Cửa vẫn đóng, đèn vẫn tắt, nhưng trong quán các “thượng đế” vẫn ung dung ngồi chơi, duy chỉ bị yêu cầu là vặn nhỏ “volume” để bên ngoài không thể nghe thấy được.
Game và “văn hóa chửi”
Vui cũng chửi, buồn cũng chửi, nhặt được đồ “ngon” trong game cũng chửi, bị KS (một thuật ngữ trong game chỉ việc tranh giành khu vực luyện công) thì càng chửi mạnh hơn… Không gian trong các quán game như một mớ hỗn độn, chửi rủa, chửi bậy không ngớt. Điều đáng nói là đối tượng chửi bậy nhiều nhất lại là học sinh, cá biệt có cả nữ sinh. T, học sinh trường ĐTH, cho biết ban đầu em cũng không chửi bậy nhưng sau một thời gian thì bị nhiễm tính xấu này bởi xung quanh “ai cũng chửi bậy”. Còn P, cũng là học sinh thì phán một câu xanh rờn: “Đã chơi game thì không thể không chửi vì đó là một phần không thể thiếu của game!?”.
Nếu bạn là một người đứng tuổi thì có lẽ sẽ không thể nghe lọt lỗ tai những câu chửi của game thủ nhí. Vấn đề ở chỗ, những câu chửi đó không chỉ đơn thuần là chửi bậy mà còn sặc mùi bạo lực. Cách đây không lâu, cũng chỉ là xích mích chửi bới qua lại trong game mà một nạn nhân tại quán game ở Khương Trung bị chém gần như đứt cổ. Tuổi trẻ bồng bột cộng thêm những yếu tố bên ngoài như chửi nhau, nhìn đểu, nói đểu… cũng rất dễ dẫn tới những án mạng đau lòng.
Game bạo lực
Sự quản lý thiếu sát sao của các cơ quan chức năng, và “tôn chỉ” lợi nhuận là trên hết của các chủ quán Net nên game bạo lực vẫn tràn lan trên thị trường hiện nay. Điều đáng nói là cả những trẻ nhỏ dưới 10 tuổi cũng chơi các loại game này. Game bạo lực cùng với những cảnh máu me, giết chóc, khiến cho tâm hồn trẻ trở nên chai sạn, dễ kích động, và có khuynh hướng bạo lực (kể cả trong những hoàn cảnh không cần thiết).
Mới đây, theo một nghiên cứu của trường đại học bang Iowa, Hoa Kỳ, trẻ em thường hiếu động và hung hăng thêm sau khi chơi game bạo lực ở bất kỳ môi trường nào. Nghiên cứu này chỉ ra rằng nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với game bạo lực thì quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sẽ bị tác động một cách tiêu cực. Đã không ít những vụ thanh toán lẫn nhau mà thủ phạm là game thủ. Chỉ vì thiếu tiền chơi game mà sinh ra trộm cắp, cướp giật, thậm chí là giết người. Chỉ vì nhiễm những cảnh bạo lực trong game mà có những suy nghĩ lệch lại, sai trái về cuộc sống. Tuy là hai thế giới hoàn toàn khác nhau nhưng thực tế cho thấy khoảng cách giữa thế giới ảo (trong game, trên mạng) và thế giới thực không cách xa nhau là mấy.
Giải pháp nào?
Dù vẫn có một số thông tư, quy định về chơi game trực tuyến và sử dụng Internet (giới hạn độ tuổi) nhưng thông tư 02 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hay Thông tư liên tịch 60 về quản lý trò chơi trực tuyến nhưng xem ra hiệu quả của chúng vẫn chưa cao. Theo quy định thì trẻ em dưới 14 tuổi khi vào quán Net bắt buộc phải có người lớn đi kèm, hướng dẫn, nhưng thử hỏi có mấy quán Net làm được như thế. Nguyên nhân thật dễ hiểu, đa phần đối tượng chơi game là trẻ nhỏ nên nếu chủ quán cứ “y án” mà làm thì họ sớm muộn gì cũng phải dẹp tiệm. Chính vì thế, các chủ quán Net thường lách luật, vẫn vô tư cho trẻ dưới 14 tuổi vào quán mà cũng chả cần có phụ huynh đi theo.
Mặc dù cơ quan chức năng cũng có văn bản, chỉ thị hạn chế và cấm lưu hành các game mang tính chất đẫm máu và quá bạo lực, thế nhưng thực tế thì lại rất khác. Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP.HCM thì Sở này đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ phân rõ tiêu chí game, chẳng hạn như thế nào là game bạo lực, game khiêu dâm,…và độ tuổi nào thì được chơi game nào, thế nhưng cho tới nay vẫn chưa có bộ tiêu chí này. Chính vì vậy việc quản lý và ngăn chặn tình trạng game bạo lực vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là còn bỏ ngỏ.
Không riêng gì Việt Nam mà một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng tràn ngập game bạo lực. Chỉ vì lợi nhuận mà ngành công nghiệp video game vẫn đang tiếp tục tung ra các game với nội dung bạo lực hơn nữa để đáp ứng thị hiếu thị trường. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, nếu chủ quán Net nào ở Mỹ bán game bạo lực cho trẻ em thì sẽ bị phạt 1.000USD. Ở Việt Nam thì chưa có chế tài này, lâu lâu mới có một đợt kiểm tra lấy lệ rồi lại đâu đóng đấy.
Thiết nghĩ để ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chủ quán Net, nhà trường và gia đình. Yếu tố giáo dục được xem là biện pháp hiệu quả để các em nhận ra mặt trái của game bạo lực, để từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về hình thức giải trí này; đồng thời giúp cân đối giữa thời gian chơi và học để phát triển thể chất và trí tuệ một cách hài hòa hơn.
Theo VnMedia