Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa ra mắt CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC). Theo ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm CLB, đây là tổ chức chuyên môn trực thuộc của Hiệp hội giữ vai trò tiên phong trong kết nối thúc đẩy toàn diện các hoạt động bảo vệ an toàn, hỗ trợ trẻ em Việt Nam tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
Tạo ra môi trường Internet lành mạnh
. PV. Thưa ông, bối cảnh nào dẫn đến sự ra đời của CLB ?
+ Ông Ngô Tuấn Anh: Tại Việt Nam hiện có trên 24,7 triệu trẻ em và phần lớn các em tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối Internet từ khá sớm. Theo các số liệu thống kê, thì trẻ bắt đầu sử dụng điện thoại, thiết bị kết nối Internet từ 9-11 tuổi với thời lượng 5-7 tiếng mỗi ngày tức là gấp 3-4 lần so với các khuyến cáo.
Với độ tuổi sử dụng như vậy nhưng hầu hết trẻ chưa thể nhận biết và phòng tránh được những mối nguy, rủi ro khó lường trên môi trường Internet. Do đó, việc tạo ra môi trường Internet lành mạnh, tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như trang bị kỹ năng số để trẻ em có thể sử dụng Internet một cách tích cực, an toàn là rất cần thiết.
. Những mối nguy, rủi ro khó lường trên môi trường Internet như ông đề cập là gì ?
+ Internet mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ em khi mở ra cơ hội học tập, kết nối và tìm hiểu thế giới. Nhưng bên cạnh các mặt tích cực đó, trẻ em cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro. Trong đó phổ biến nhất là các rủi ro khi trẻ phải đối mặt với các thông tin xấu độc, không phù hợp với lứa tuổi.
Như chúng ta đã biết, trên mạng có cả nội dung cho người lớn và trẻ em, nhưng bây giờ khi các con truy cập vào mạng, nhất là khi không gian đó là không gian riêng tư thì việc kiểm soát các con truy cập vào những nội dung không phù hợp với lứa tuổi là một vấn đề mà rất nhiều phụ huynh băn khoăn.
Việc lạm dụng, hay tình trạng nghiện sử dụng Internet, nghiện game cũng là vấn đề các em phải đối mặt. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ mỗi ngày.
Việc trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian trên Internet, bên cạnh những mặt tích cực thì sự “quá gắn bó” Internet cũng đang mang lại nhiều hệ lụy cho các em.
Ngoài ra, khi tham gia vào môi trường mạng, các em cũng dễ gặp phải các rủi ro khác như việc bắt nạt trực tuyến; lừa đảo xâm phạm đời tư hay thậm chí xâm hại tình dục…Điều này sẽ rất nguy hiểm bởi hầu hết các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện các mối nguy hay tự bảo vệ mình.
“Vì sự an toàn, hạnh phúc của trẻ em trên không gian mạng"
. Sự ra đời của CLB đóng vai trò thế nào trong việc ngăn chặn, bảo vệ trẻ em trên không gian to lớn này, thưa ông ?
VCSC có mục tiêu cao nhất đó là “Vì sự an toàn, hạnh phúc của trẻ em trên không gian mạng”. Và cũng rất may mắn là ngay từ ban đầu, CLB đã tập hợp được nhiều doanh nghiệp công nghệ, nhà sản xuất nội dung số; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên mạng tham gia.
VCSC sẽ đóng vai trò nòng cốt trong triển khai các hoạt động; tiên phong và kết nối các thành viên là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có cùng chung mục tiêu và cánh tay nối dài của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Một điểm quan trọng nữa đó là việc tạo ra thị trường và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng tại Việt Nam trong thời gian tới.
. Vậy mục tiêu và chương trình hành động của CLB sẽ ra sao, thưa ông ?
+ VCSC được thành lập và hoạt động dựa trên tinh thần cam kết tự nguyện của các thành viên tham gia, vì mục tiêu chung đó là bảo vệ và trẻ em trên không gian mạng. Thời gian tới, VCSC sẽ triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để hướng tới mục tiêu này.
Cụ thể, VCSC sẽ giúp VNISA xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cơ sở của Hiệp hội cho các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng và dự kiến sẽ công bố trong năm nay; xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng sẽ tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động khác nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng như góp phần thúc đẩy được hệ sinh thái, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và nhóm giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này !