Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, BV Nhi Trung ương và Sở Y tế Hải Dương đã họp và đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, khám sàng lọc cũng như quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine.
Hội đồng kết luận trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vaccine và quy trình tiêm chủng.
Theo hội đồng chuyên môn, cán bộ tiêm chủng cũng đã thực hành đúng quy định về quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế. Quy trình từ vận chuyển vaccine, khám phân loại, thực hiện tiêm chủng đúng 50 cháu/buổi, có các bác sĩ có chuyên môn, đã được tập huấn và cấp chứng chỉ về tiêm chủng. Cùng buổi tiêm với trẻ V. có 17 trẻ được tiêm, tất cả các cháu đều khỏe mạnh.
Tiêm vaccine Quinvaxem cho trẻ. Ảnh minh họa
Trước đó Pháp Luật TP.HCMphản ánh sáng 25-10, bé V. được tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1 tại Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ cùng 17 bé khác. Trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng có kiểm tra sức khỏe sàng lọc cho thấy bé bình thường. Sau khi tiêm xong, bé V. ở lại trạm 30 phút để theo dõi nhưng không có biểu hiện gì bất thường nên trạm y tế cho bé về.
Sáng 26-10, gia đình có gọi điện thoại báo cháu V. bị nôn. Đến chiều cùng ngày thì ở mông cháu xuất hiện những vết tím nên chuyển đến BV Đa khoa Tứ Kỳ nhưng không qua khỏi.
Đây là trường hợp thứ chín tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem kể từ đầu năm. Tuy nhiên, kết luận các trường hợp trên đều không liên quan đến vaccine. Bộ Y tế cho biết vaccine Quinvaxem vẫn được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.