Đang làm xã hội ngán ngẩm về thói háo danh ảo. Báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của hai bạn đọc sau đây.
Có cảm giác ông giám đốc đã không biết xấu hổ khi trả lời oang oang trên báo chí về việc mua bằng dỏm của mình. Dù có nhiều khả năng ông bị lừa nhưng người đọc lại thấy ông có vẻ sung sướng vì bị lừa.
Trên thế giới, người làm công việc nghiên cứu sáng tạo mới cần đến học vị tiến sĩ. Còn ở mình, không hiểu sao người làm công tác quản lý lại sính tấm bằng này quá đỗi! Thông qua cách học, cách lấy bằng hết sức dễ dãi, chóng vánh, dường như ông giám đốc nói riêng và một số quan chức khác nói chung không phải thích có bằng cấp cao như một cách thể hiện tài năng vượt trội của mình. Chẳng qua họ muốn dùng bằng đó để vươn đến ghế cao hơn, hay chí ít cũng để giữ cho bằng được ghế đang có bất kể có làm tốt hay không. Nhu cầu mua hay “chạy” bằng cấp xuất phát từ đây. Lỗi của người hám danh đã rõ. Nhưng còn các cơ quan cứ chăm chăm đòi bằng tiến sĩ mới bổ nhiệm, ngay cả khi ngành đó không liên quan đến chuyên môn cao, lẽ nào vô can?
Nhân đây cũng xin đề cập đến Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Về nguyên tắc, mọi chính sách đều phải xuất phát từ thực tiễn. Tham vọng có nhiều tiến sĩ biết làm việc thật hiệu quả là tốt. Nhưng nếu không chặt chẽ, xem nhẹ chất lượng thì coi chừng nước ta sẽ có hàng ngàn tiến sĩ kiểu ông giám đốc trên.
Nhất định phải xem xét lại toàn diện vấn đề, từ vụ mua bằng tiến sĩ của ông giám đốc đến vụ bổ nhiệm cán bộ, sử dụng trí thức. Phải gấp rút tẩy chay những tiến sĩ được đào tạo không bài bản, đồng thời khai thác bằng được chất xám đang có ở những tiến sĩ thực tài.
MINH TRÍ (TP.HCM)