“Cách phát triển kinh tế Việt Nam có ba cái hao”, “bệnh thích hoành tráng, bệnh thèm ngân sách”, “tham nhũng nhà công vụ”, “để vượt chi phải biết xấu hổ”… Những cụm từ đầy ấn tượng này đã được nhiều đại biểu (ĐB) dùng để nói về thực trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát mà theo các ĐB đây cũng chính là nguyên nhân làm cho tình hình nợ công của đất nước ngày càng trở nên trầm trọng. Phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách ngày 31-10 đã trở nên nóng bỏng với những câu chuyện và con số biết nói về việc sử dụng vốn ngân sách và vốn vay hiện nay.
“Việt Nam có ba cái hao”
Mở đầu buổi thảo luận, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhắc lại câu hỏi tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự, luôn day dứt, nóng bỏng, đó là “phòng, chống tham nhũng như thế nào?”. Theo ĐB Tiến, hiện nay đang xuất hiện nhiều căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là căn bệnh “hoành tráng”, “căn bệnh thèm ngân sách”.
“Nhiều công trình dự án tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng công năng, hiệu quả lại rất khiêm tốn. Thậm chí có những công trình do “đẻ non”, “chín ép” nên vừa khai trương đã khai tử bỏ hoang hóa, hư hỏng, xuống cấp; sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công. Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án công trình là được hưởng lợi. Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng vì dự án càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo tỉ lệ thuận” - ĐB Tiến nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cách phát triển kinh tế Việt Nam có ba cái “hao” mà không khắc phục được. Đó là rất hao vốn, rất hao ngoại tệ và rất hao tài nguyên môi trường. Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, nợ xấu chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát…
Nhắc lại câu chuyện 86.000 tỉ đồng của Vinashin, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cảnh báo về câu chuyện hiệu quả sử dụng vốn. Bởi theo ông có nhiều nơi đang sử dụng vốn lãng phí, thất thoát rất nhiều. “Trường hợp ký túc xá sinh viên có mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng ở Đà Lạt nhưng chỉ một sinh viên đến ở. Lý do là vì trường gần nhất cách đó 5 km và đường đi vô cùng gập ghềnh khó khăn. Hơn 1.000 tỉ đồng cho một sinh viên đến ở là điển hình của sự lãng phí” - ĐB Hùng chỉ rõ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Theo ĐB Lê Như Tiến đã đến lúc cần nhận dạng và xử lý hành vi tham nhũng nhà công vụ. Trong ảnh: Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: H.VÂN
“Để vượt chi phải biết xấu hổ”
Tiếp tục bày tỏ lo ngại về nợ công, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói: “Chúng ta khó khăn nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm, hầu hết các ngành đều vượt chi, chỉ có ngành dân số kế hoạch hóa gia đình và chi cho khoa học công nghệ là không vượt. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém! Trong tình hình khó khăn ngân sách như hiện nay nơi nào vượt chi thì cần biết xấu hổ và người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên biết xấu hổ!” - ĐB Đáng nhấn mạnh.
Cho rằng chưa năm nào báo cáo về nợ công dài và đầy đủ như năm nay, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng tỏ ra bất an: “Không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hằng năm tăng lên trong khi thu ngân sách hết sức khó khăn, chưa biết khi nào trút hết gánh nặng nợ công. Trong khi ngành nào cũng muốn thêm tiền, địa phương nào cũng muốn thêm tiền, dự án nào cũng muốn thêm tiền, công trình nào cũng muốn thêm tiền thì nợ công chắc chắn là còn căng thẳng”. Tuy nhiên, theo ông Sơn, điều đáng lo về nợ công không phải là con số bao nhiêu mà là sử dụng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, không để lãng phí, thất thoát.
“Đừng để người dân hằng ngày nhìn thấy chúng ta xử lý vốn vay, vốn huy động một cách lãng phí vào túi những người tham nhũng thì dân rất bức xúc” - ĐB Sơn lưu ý.
“Cần có tội tham nhũng nhà công vụ”
Cũng đề cập đến tình trạng tham nhũng, lãng phí nhưng ĐB Lê Như Tiến lại đặt vấn đề thẳng vào câu chuyện quản lý nhà công vụ. ĐB Tiến cho biết tính đến tháng 9-2014, quỹ nhà công vụ có hơn 1,6 triệu m2. Trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục ngàn căn hộ chung cư, hàng vạn nhà ở liền kề. “Không ít cán bộ quản lý khi không còn giữ chức vụ quản lý nữa tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn và quên trả lại nhà công vụ. Thực chất biến nhà công vụ thành nhà tư vụ. Nhiều nhà công vụ không ở nhưng cho con cháu ở hoặc cho thuê để tháng tháng hưởng số tiền lớn hơn cả tiền lương” - ĐB Tiến nêu thực trạng.
Theo ĐB Tiến, hầu hết nhà công vụ thường ở vị trí đắc địa, đất vàng, đất ngọc mỗi m2 trị giá hàng trăm triệu đồng. Vì vậy nếu Chính phủ có giải pháp sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục ngàn nhà công vụ sử dụng sai mục đích đưa vào bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Tiến, có lẽ đã đến lúc nhận dạng và đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới đó là tham nhũng nhà công vụ. “Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng, song từ trước nay chúng ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỉ đồng” - ĐB Tiến nói và cho rằng nhà công vụ, biệt thự công cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác.
Trong dự toán đã lãng phí ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng cho rằng nếu giảm được những thất thoát lãng phí trong các công trình, dự án thì sẽ đủ vốn giải quyết tiền lương và nhiều chính sách xã hội. “Như Bộ GTVT chỉ điều chỉnh một số công trình thôi đã tiết kiệm 35.000 tỉ đồng, như vậy rõ ràng trong dự toán chúng ta đã để lãng phí. Trong khi chúng ta cần 40.000 tỉ đồng giải quyết tiền lương thì lại không có. Thử hỏi nhiều ngành, lĩnh vực khác nếu điều chỉnh tính toán lại, tiết kiệm thì nguồn lực ấy lớn thế nào. Nếu ai cũng làm như Bộ GTVT thì có thể sẽ có rất nhiều tiền” - ĐB Phúc dẫn chứng. Chạy trên đường ray cũ làm sao thấy chân trời mới Tôi không tin 2015-2016 có chuyển biến gì mạnh mẽ, vì chúng ta chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ. Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ, về hướng cũ, làm sao nhìn thấy được chân trời mới. Chuyên gia kinh tế là ông Bùi Kiến Thành nhận xét: Kinh tế Việt Nam không thể bay cao vì đôi cánh của nó bị đeo quá nhiều gánh nặng, gánh nặng này trong nhiều năm qua không thể cởi bỏ được. Chẳng những làm chúng ta không bay được cao, nhanh mà còn chệch hướng. ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM) |