Hôm qua (12-5), thảo luận về dự án Luật Quản lý tài sản nhà nước, hầu hết đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sớm ban hành đạo luật để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực này, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Không cho sắm đủ bộ, buộc thuê dịch vụ
Theo dự luật, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, hiệu quả và tiết kiệm tài sản. Cơ quan nhà nước thay vì theo lề lối lâu nay sắm đủ bộ lễ từ trụ sở làm việc, xe cộ, hội trường... sẽ chuyển sang cơ chế linh hoạt là thuê dịch vụ bên ngoài.
Để tăng cường trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần xử mạnh tay một vài trường hợp người đứng đầu có vi phạm để làm gương cho các cán bộ khác. Để xử được, trước hết phải cụ thể từng hành vi, mức độ vi phạm để biết thế nào thì phê bình, khiển trách, sai cỡ nào thì cách chức, động viên từ chức.
Trong dự thảo quy định việc cấm các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp cho thuê một phần tài sản nhà nước giao để lấy kinh phí hoạt động còn ý kiến khác nhau. Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Hội Nhà báo) nói hội phí thu từ hội viên không đủ trang trải cho hoạt động hội trong khi phần hỗ trợ của nhà nước chỉ đáp ứng được phần nhỏ nên tình hình chung của các tổ chức chính trị-xã hội rất khó khăn. Vì vậy theo ông, nên cho phép các hội được cho thuê phần tài sản, nhà cửa, mặt bằng chưa sử dụng đến. Tiền thu được quản lý chặt chẽ, đảm bảo không rơi vào túi cá nhân, không tham nhũng lãng phí.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Lân Dũng rất ủng hộ điều khoản này. Ông thắc mắc: “Như công đoàn, tôi không hiểu thu 2% quỹ lương, 1% thu nhập, trước đoàn viên còn được chế độ nghỉ hè, tham quan, giờ chả thấy gì. Trong khi đó, các nhà nghỉ công đoàn thì trụ sở hoành tráng”. Ông Dũng dẫn ra ví dụ khác là cơ sở Hoa Viên số 1 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, nói là nơi sinh hoạt của thanh thiếu nhi nhưng lại có những nhà hàng lớn. Ở đường Hai Bà Trưng có nhà công đoàn to lắm, tiền thu được không biết chi tiêu thế nào.
Siết lại việc quản lý
Ngoài việc quản lý tài sản ở các cơ quan nhà nước, một số ý kiến cho rằng cần xác định tài sản trong các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh có thuộc diện điều chỉnh của luật không. Thực tế ngay tại Hà Nội, nhiều cơ sở công nghiệp quốc doanh trước đây khai thác diện tích sát mặt đường cho thuê để cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân. Ở các kỳ họp trước, đã có đại biểu hỏi và bộ trưởng Tài nguyên môi trường nói sẽ thu hồi những khu đất sử dụng sai nhưng theo ông Nguyễn Lân Dũng thì đến giờ chưa thấy chuyển biến.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng rất lo ngại về vấn đề điều hành của Chính phủ trong quản lý tài sản công bởi đã nhiều năm nay, báo cáo về tình trạng lãng phí lớn trong sử dụng tài sản công vẫn không có gì sáng sủa.
Theo bà Mai, tình hình sử dụng tài sản công tại các bệnh viện công và các trường học hiện có nhiều vấn đề. Các đơn vị này đang được hưởng một số quyền lợi rất lớn từ việc liên doanh, liên kết với các đơn vị khác hay như cho thuê cơ sở, mặt bằng. Những nguồn thu khá lớn đó đang được coi là “lùng nhùng”, phức tạp trong thu chi. “Nếu siết chặt quản lý các nguồn thu lớn đó sẽ có điều kiện tái đầu tư cho phúc lợi xã hội, cũng như đem lại bước tiến rõ hơn về xã hội hóa các lĩnh vực này”.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đến từ Tiền Giang đề nghị bổ sung vào dự thảo một điều khoản về quản lý, khai thác tài sản ở bệnh viện công lập để Chính phủ có cơ sở hướng dẫn chi tiết.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cả ba dự án luật này đều đã được cho ý kiến tại kỳ họp năm ngoái và dự kiến sẽ hoàn chỉnh, thông qua tại kỳ họp này.
NGHĨA NHÂN - HOÀNG ĐÌNH