Triều Tiên nổi giận vì lệnh trừng phạt mới

Ngày 24-12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố chỉ trích nghị quyết trừng phạt mới nhất mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa thông qua là một hành động chiến tranh và không khác gì bao vây kinh tế toàn diện Triều Tiên.

Triều Tiên phẫn nộ

Nghị quyết trừng phạt mới nhất nhắm vào Triều Tiên đã được Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhất trí thông qua vào ngày 22-12 (giờ New York) nhằm đáp trả vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên hồi đầu tháng. Nghị quyết này nhắm vào nguồn nhập khẩu sản phẩm hóa dầu và nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu lao động của Triều Tiên, theo hãng tin AP.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24-12 đã dẫn lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này kịch liệt chỉ trích nghị quyết trên. Tuyên bố chỉ trích Mỹ đang hoảng sợ vì sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, “ngày càng ráo riết thúc đẩy áp đặt những lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất từ trước đến nay và tăng sức ép” lên Triều Tiên.

“Chúng tôi xem nghị quyết trừng phạt - được giật dây bởi Mỹ và các đồng minh - là một hành động xâm phạm chủ quyền của đất nước, một hành động chiến tranh đe dọa hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực. Chúng tôi cương quyết không chấp nhận nghị quyết này” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân vì mục đích “răn đe tự vệ”.

Bình Nhưỡng cũng cảnh báo nhiều nước sẽ phải trả giá vì bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt trên. “Những quốc gia đã đưa tay ủng hộ nghị quyết trừng phạt này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi hệ quả gây nên bởi nghị quyết. Chúng tôi sẽ vĩnh viễn đảm bảo các nước đó phải trả giá đắt cho những gì họ làm” - KCNA dẫn cảnh báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trao đổi với các nhà khoa học vũ khí hạt nhân. Ảnh: REUTERS

Lo sợ viễn cảnh chiến tranh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá nghị quyết mới nhất đã tái khẳng định nhu cầu giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình thông qua đối thoại. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc đưa ra thêm nghị quyết trừng phạt cứng rắn là để ngăn chặn chiến tranh. Tờ báo cho rằng nghị quyết được thông qua để Mỹ chấp nhận thỏa hiệp không nhắc tới khả năng yêu cầu LHQ cho phép hành động quân sự. “Sự khác biệt giữa nghị quyết mới và đề xuất ban đầu của phía Mỹ đã thể hiện lập trường của Nga và Trung Quốc muốn ngăn chặn chiến tranh và hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên. Nếu như các đề xuất của Mỹ được chấp nhận, chiến tranh là viễn cảnh có thể nhìn thấy rõ” - bài xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu cho biết.

Viễn cảnh chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đề cập vào ngày 22-12, ngay sau khi nghị quyết trừng phạt được HĐBA thông qua. “Mây mù bão tố đang đến gần” - lời cảnh báo được đưa ra trong bài phát biểu của ông Mattis tại doanh trại Fort Bragg, bang North Carolina trước các binh sĩ thuộc Sư đoàn lính dù 82. Ông khẳng định các lực lượng vũ trang của Mỹ cần phải luôn trong tình trạng sẵn sàng vì đó là “cách duy nhất để các nhà ngoại giao Mỹ có thể đàm phán mạnh mẽ”, hãng tin AP cho biết. Tướng Mattis cũng nhiều lần nhấn mạnh vẫn còn thời gian để các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình, khẳng định các nỗ lực ngoại giao “vẫn tiếp diễn một cách tích cực”. Tuy nhiên, lãnh đạo Lầu Năm Góc nhắc nhở các quân nhân cần sẵn sàng: “Có rất ít lý do để có thể lạc quan”.

Ông Mattis không phải là lãnh đạo duy nhất của quân đội Mỹ thời gian qua đề cập về viễn cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành xung đột quân sự. Tuần qua, tư lệnh lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là tướng Robert Neller cũng có những phát ngôn với hàm ý tương tự. Ông kêu gọi các binh sĩ đóng tại Na Uy cần trong tình trạng sẵn sàng, đồng thời đánh giá sự quan tâm của quân chủng này sẽ sớm chuyển từ Trung Đông đến “Thái Bình Dương và nước Nga”. Trang tin quân sự Mỹ Military dẫn lời tướng Neller cho biết: “Tôi hy vọng mình đã sai nhưng có một cuộc chiến đang đến gần”.

Cũng trong tuần qua, trả lời hãng tin BBC, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster đã nhận định rằng quân đội “cần được chuẩn bị sẵn sàng để phi hạt nhân hóa Triều Tiên kể cả khi không có sự hợp tác của chính quyền nước đó”.

Nghị quyết mới nhất của HĐBA đã cắt gần 90% xuất khẩu xăng dầu tinh luyện đến Triều Tiên, đặt giới hạn 500.000 thùng/ năm. Nghị quyết cũng đồng thời yêu cầu các nước cho người lao động Triều Tiên hồi hương trong vòng 24 tháng. Bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình trước đó yêu cầu người lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải hồi hương trong vòng 12 tháng. Dự thảo này cũng đề nghị hạn mức dầu thô xuất khẩu cho Triều Tiên là 4 triệu thùng/năm, đồng thời đề nghị HĐBA giảm hạn mức nếu như Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hoặc ICBM.

Tháng 11 vừa qua, chính quyền Bình Nhưỡng đã kêu gọi chấm dứt các sắc lệnh trừng phạt “tàn bạo” nhắm vào Triều Tiên, chỉ trích các lệnh trừng phạt không khác gì tội ác diệt chủng vì đe dọa cuộc sống của dân thường vô tội tại Triều Tiên.

___________________________

Trong chuyến thăm tại Fort Bragg ngày 22-12, lãnh đạo của Lầu Năm Góc đã “bóng gió” đến tình hình Triều Tiên khi đề nghị binh sĩ đọc quyển sách được xuất bản năm 1963 về các sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. “Hiểu được những sai lầm trong lần trước cũng quan trọng như hiểu rõ chính mình. Các bạn đã được báo trước rồi. Các bạn hiểu tôi đang nói đến điều gì. Hãy sẵn sàng” - ông James Mattis nói với các quân nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm