Trình Quốc hội xem xét việc đấu giá biển số ô tô

(PLO)- Dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-9, với đa số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chưa thực hiện đấu giá với biển số mô tô

Nêu sự cần thiết ban hành nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc này nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý thực tế của cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: PHẠM THẮNG
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ lý do không đưa biển số ô tô nền màu vàng (dùng cho xe hoạt động kinh doanh vận tải) vào đấu giá. “Hiện nay, số xe này bao gồm cả “taxi công nghệ” (vừa là xe kinh doanh vừa là xe cá nhân) là rất lớn. Thực tế, nhiều chủ xe có nhu cầu được lựa chọn biển số cho xe của mình” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Nghị quyết ban hành giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; đặc biệt là ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô.

Nghị quyết cũng xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô; tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô...

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành. Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Trước một số ý kiến đề nghị đưa ra đấu giá cả biển số mô tô, đa số thành viên cơ quan thẩm tra cho rằng chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm sang loại xe này, do chưa đánh giá đầy đủ mức độ tác động trong trường hợp chấm dứt thí điểm.

Liên quan đến việc xác định giá khởi điểm của một biển số xe, ông Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về số tiền đặt trước để tham gia đấu giá, bảo đảm vừa thống nhất với quy trình chung về đấu giá tài sản nhưng cũng hạn chế được việc bỏ cọc của người trúng đấu giá.

Việc đấu giá biển số xe được tập trung ở Bộ Công an

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho hay ban đầu bộ dự kiến tổ chức đấu giá ở công an tỉnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá, bộ thấy rằng việc đấu giá phân tán như vậy sẽ không bảo đảm tính thống nhất. “Chúng tôi đã tính toán lại, tất cả việc đấu giá biển số xe này sẽ được tập trung ở Bộ Công an” - ông Long nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Long thông tin tại phiên họp trước đó với Ủy ban Pháp luật, Bộ Công an đã xin rút lại đề nghị phân chia nguồn thu từ đấu giá theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương. Toàn bộ sẽ được nộp về ngân sách trung ương.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe của bất cứ tỉnh nào trên lãnh thổ Việt Nam. “Với cơ sở dữ liệu công dân, với tất cả hạ tầng của Bộ Công an hiện nay thì hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc này” - vẫn lời ông Nguyễn Văn Long.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc nghiên cứu thực hiện đấu giá biển số ô tô được tiến hành từ năm 2017-2018, dự kiến trình Quốc hội năm 2019-2020. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc này chưa làm được. “Tôi cho rằng việc này rất cần thiết, chắc người dân sẽ hoan nghênh” - ông Huệ nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 16 (tháng 10-2022) trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Không được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá

Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với xe, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm