Trò đùa cợt vô ý thức

Nhiều người đã thay hình ảnh Luyện vào các nhân vật trong game bạo lực. Có người còn tạo ra những bài nhạc chế ca ngợi Lê Văn Luyện.

Trò đùa không đúng chỗ ấy lập tức bị phản ứng. Tuy nhiên, vẫn có những người tham gia, vỗ tay a dua.

Khi cái ác được đem ra đùa cợt, nó khiến sự nghiêm trọng của hành vi trên được giảm bớt, nó hạ thấp sự căm phẫn cần có của xã hội đối với tội ác không thể dung thứ của Lê Văn Luyện.

Khi xây dựng hình ảnh Luyện thành siêu nhân, thành nhân vật của bài hát, tác giả của nó đã xúc phạm nỗi đau không thể bù đắp của gia đình nạn nhân, xúc phạm cả người sống lẫn người chết và phỉ báng tình cảm của xã hội.

Pháp luật là sự thể chế hóa quy tắc ứng xử, điều chỉnh hành vi của xã hội, dựa trên nền tảng đạo đức. Sự trừng trị của pháp luật đối với Luyện cũng chính là sự lên án của cả xã hội đối với tội ác mà y gây ra. Khi đùa cợt bằng cách ca ngợi Lê Văn Luyện, tác giả của những hình ảnh, games, bài hát trên tự mình đã tỏ ra lạc lõng.

Không chỉ vậy, sự tán thưởng, khuyến khích thiếu ý thức của một bộ phận cư dân mạng đối với trò đùa trên cũng cần bị lên án.

Sẽ là không tưởng khi nghĩ rằng có thể có một xã hội không có cái ác. Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn cái ác, song sự phẫn nộ, lên án của toàn xã hội sẽ giúp ngăn chặn, giảm thiểu tội ác. Trách nhiệm công dân đòi hỏi mỗi người phải có những tình cảm và hành động đúng vì lợi ích chung. Sự đùa cợt không đúng chỗ như trên là thiếu trách nhiệm và ý thức công dân. Vì vậy, không có lý do gì để hùa vào.

Tiếng cười không đúng lúc, đúng chỗ là những tiếng cười lạc lõng. Cười cợt trên nỗi đau của người khác cũng là một cách để tự hạ phẩm giá chính mình.

ĐỨC HIỂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm