Việt Nam: Tối đa 18 năm tù
Ngay từ rất sớm, pháp luật hình sự nước ta đã quy định không áp dụng tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo Bộ luật Hình sự năm 1985, nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên là 20 năm tù, đối với người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi là 15 năm tù.
Bộ luật Hình sự năm 1985 được sửa đổi bổ sung bốn lần nhưng quy định trên chưa một lần thay đổi. Đến năm 1999, Quốc hội nước ta thông qua Bộ luật Hình sự năm 1999, vẫn quy định không áp dụng tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Thậm chí, bộ luật này còn hạ “mức trần” dành cho họ. Theo đó, nếu điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi tuổi đến dưới 18 tuổi là không quá 18 năm tù (trước đây là 20 năm tù), đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là không quá 12 năm tù (trước đây là 15 năm tù).
Nhiều nước thay thế án tử hình bằng phạt tù với thời gian dài. Ảnh: topnews.co.uk
Trong vụ án giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, cơ quan chức năng xác định ngày sinh của hung thủ Lê Văn Luyện là 18-10-1993. Luyện gây án vào ngày 24-8-2011, tức còn thiếu 55 ngày nữa mới tròn 18 tuổi. Theo luật định, mức hình phạt cao nhất dành cho Luyện là không quá 18 năm tù. Dư luận tỏ ra khá gay gắt và phẫn nộ vì cho rằng mức án trên không tương xứng với hành vi máu lạnh của sát thủ. Trên các diễn đàn, nhiều người “đề xuất bắt giam Luyện vài tháng cho đủ 18 tuổi rồi đem ra xét xử, áp dụng hình phạt tử hình”. Đề xuất này không thể áp dụng, bởi các mốc đủ 14, đủ 16, đủ 18 tuổi được xác định vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội chứ không phải vào thời điểm xét xử. Lại có ý kiến yêu cầu Quốc hội nhanh chóng sửa luật để có thể tử hình Luyện. Ý kiến này cũng không ổn vì xét về hiệu lực thời gian, điều luật áp dụng đối với hành vi phạm tội phải là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn quy định không hồi tố (hiệu lực trở về trước) đối với trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Hoa Kỳ: Năm 2005 mới sửa luật
Năm 1988, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ án tử hình đối với người dưới 16 tuổi phạm tội.
Tính đến năm 2000, có 38 bang ở Hoa Kỳ áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có 23 bang cho phép tử hình người dưới 18 tuổi phạm tội. Tính từ tháng 1-1973 đến tháng 4-2003, có 22 người chưa thành niên bị tử hình. Trong đó, chỉ có một người thực hiện hành vi phạm tội vào năm 16 tuổi, số còn lại phạm tội vào năm 17 tuổi. Về sau, còn 19 bang áp dụng hình phạt tử hình dành cho người dưới 18 tuổi.
Các phạm nhân chưa thành niên. Ảnh: FULLOMA
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, kể từ khi Tuyên ngôn về quyền con người được thông qua, hơn một nửa quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Thế nhưng Hoa Kỳ vẫn không thông qua quy định cấm áp dụng hình phạt tử hình dành cho người chưa thành niên phạm tội. Khoản 5 Điều 6 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị (có hiệu lực năm 1976) quy định “không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi”. Hoa Kỳ đã ký công ước này nhưng lại bảo lưu điều khoản trên. Vì vậy, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vẫn cho phép các bang tiếp tục sử dụng án tử hình. Hơn 10 quốc gia đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Hoa Kỳ rút bảo lưu nhưng nước này vẫn từ chối.
Tháng 3-2005, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ mới quyết định sửa luật theo hướng cấm tử hình người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Những người bỏ phiếu thuận cho rằng khi người chưa thành niên thực hiện một tội ác ghê tởm nào đó thì nhà nước có thể tước bỏ của họ một số quyền tự do cơ bản nhất, nhưng không được dập tắt cuộc sống của họ. Theo Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, hình phạt tử hình dành cho người chưa thành niên là độc ác và bất thường. Việc bãi bỏ án tử hình đối với người chưa thành niên thể hiện sự đồng thuận với các quốc gia chống lại án tử hình dành cho người chưa thành niên.
Với phán quyết này, 72 người tại 12 bang của Hoa Kỳ đã thoát án tử hình do thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi.
Người chưa thành niên phạm tội được cho là ít nguy hiểm hơn người trưởng thành. Ảnh: saynotojdp.blogspot.com
Trung Quốc: Quy định độc đáo
Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 1979 của Trung Quốc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vẫn có thể bị kết án tử hình và bản án tử hình sẽ được “treo” trong thời hạn hai năm. Đây là quy định khá độc đáo của điều luật, giúp tội phạm có cơ hội sống. Theo đó, nếu phạm nhân thực sự hối hận về hành vi phạm tội của mình thì khi hết hai năm, án tử hình sẽ được giảm xuống thành tù chung thân. Nếu phạm nhân vừa thực sự hối hận, vừa lập được thành tích đáng ca ngợi, hình phạt sẽ được giảm xuống tù có thời hạn với mức tối thiểu là 15 năm và tối đa là 20 năm, tính từ sau khi hết thời hạn hai năm. Trong trường hợp có bằng chứng cho thấy phạm nhân chống lại việc cải tạo một cách rõ ràng thì hình phạt tử hình sẽ được thực hiện với sự đồng ý của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Quy định độc đáo trên vẫn được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều luật này không còn ý nghĩa đối với NCTN phạm tội. Bởi lẽ Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc đã cấm áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Sửa đổi này của pháp luật hình sự Trung Quốc phù hợp với yêu cầu quốc tế, bởi nước này đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em vào ngày 31-1-1992.
Dù vậy, xuất phát từ việc xác định sai tuổi của bị cáo, Trung Quốc vẫn tử hình hai phạm nhân Zhao Lin và Gao Pan vào năm 2003 và 2004 khi họ thực hiện hành vi phạm tội ở tuổi 16 và 17.
Thái Lan: Có thể giam 50 năm tù
Trước đây, pháp luật hình sự Thái Lan quy định áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên trên 17 tuổi phạm tội.
Năm 2003, Thái Lan sửa đổi quy định trên theo hướng cấm tuyên án tử hình hoặc tù chung thân đối với người chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Mức phạt tù tối đa dành cho đối tượng này là 50 năm tù. Trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi đã bị kết án tử hình hoặc tù chung thân, hình phạt dành cho họ sẽ tự động giảm xuống còn 50 năm tù.
Chuẩn bị tử hình phạm nhân ở Thái Lan. (Ảnh tư liệu)
Nhật Bản: Chưa trưởng thành vẫn tử hình
Tuổi trưởng thành của người Nhật Bản theo luật định là 20. Dù vậy, Nhật Bản vẫn quy định NCTN ở độ tuổi 18, 19 cũng có thể bị tuyên án tử hình. Quy định này phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em lẫn Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Nhật Bản là thành viên.
Tháng 4-2008, Tòa án Hiroshima đã tuyên án tử hình Takayuki Fukuda. Một tháng sau sinh nhật lần thứ 18 (tức vẫn còn là vị thành niên theo pháp luật Nhật Bản), Takayuki Fukuda đã hiếp dâm và giết chết một phụ nữ cùng đứa con nhỏ của chị.
- “Các quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng: a) Không có trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử, trừng phạt, độc ác, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá. Sẽ không xử án tử hình hoặc tù chung thân không có khả năng phóng thích vì những hành động phạm pháp do người dưới 18 tuổi gây ra”. (Điều 37a Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, có hiệu lực từ ngày 2-9-1990. Việt Nam phê chuẩn ngày 20-2-1990). - “Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”. (Khoản 5 Điều 6 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, có hiệu lực ngày 23-3-1976. Việt Nam ký ngày 24-9-1982). |
HOÀNG LAM
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)