Phạt nặng người chưa thành niên: Hạ sách!

Từ báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội, nợ xấu, vàng miếng SJC, đến tình hình tham nhũng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quốc hội chưa kịp “bình tâm” thì lại được nghe báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật do Bộ Công an trình bày, trong đó nêu thực trạng về tình hình đáng lo ngại đối với người chưa thành niên phạm tội và đề nghị sửa các luật liên quan để có chế tài nặng hơn đối với họ.

Nếu sửa luật để trừng trị người phạm tội tham nhũng thì đây là yêu cầu cấp thiết nhưng nếu sửa luật để có chế tài nặng hơn đối với người chưa thành niên phạm tội thì đây lại là quan điểm nóng vội!

Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề nghị trị nghiêm người chưa thành niên, thậm chí đòi tử hình người phạm tội chưa đến 18 tuổi, nhất là sau khi có vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Không ai phủ nhận thực tế là người chưa thành niên phạm tội ngày một gia tăng nhưng chưa ai trả lời câu hỏi: Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là gì? Vì sao họ lại phạm tội nhiều như thế… để có giải pháp khắc phục. Nếu cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của họ còn thấp, rất coi thường pháp luật thì “trừng trị” mới là biện pháp được xem xét đến. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này cũng nên lưu ý là thanh thiếu niên ngoài xã hội phạm tội cũng tương tự như trong gia đình có một đứa con hư. Nếu bố mẹ nóng mặt, bực tức đánh cho hả giận chỉ làm nó hư thêm khi đã “dạn đòn”. Trừng phạt chỉ là biểu hiện của sự bất lực, là hạ sách! Nếu người lớn bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao nó hư để có cách dạy dỗ, đứa trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Một “định đề” mà ai cũng biết là người chưa thành niên có những hành động bạo lực hoặc phạm tội là do gia đình và xã hội, là do người lớn. Chúng ta luôn nói: Thanh thiếu niên là tương lai của đất nước. Bồi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng một cơ quan tổ chức nào. Thanh, thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, gây bức xúc cho xã hội không phải do “Nhà nước quá nương nhẹ, lương tri đang bị thách thức” mà nó có nguyên nhân sâu xa trong tất cả vấn đề xã hội, đặc biệt trong vấn đề chính sách kinh tế-xã hội, chính sách việc làm, chính sách lao động, chính sách giáo dục... Đổ hết lỗi cho người chưa thành niên là chúng ta muốn rũ bỏ trách nhiệm của mình!

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong BLHS. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với họ chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù... Thế nhưng thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), chiếu cố lắm mới cho hưởng án treo… Đòi sửa luật để trừng phạt nặng người chưa thành niên phạm tội là chưa nhận thức, áp dụng đầy đủ nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu sửa luật để tăng hình phạt với họ thì có lẽ phải thay đổi luôn cả đường lối xử lý “chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”!?

Hãy chỉ rõ nguyên nhân rồi mới bàn đến giải pháp.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm