Nên bớt xử tù người chưa thành niên

Vấn đề nổi lên tại buổi tọa đàm do Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức sáng 6-8 là việc cần hoàn thiện các quy định của BLHS về người chưa thành niên phạm tội.

Phạm tội do thiếu hiểu biết

Theo kiểm sát viên Lê Anh Minh (VKSND TP.HCM) việc gia tăng tội phạm về tình dục đối với trẻ em có phần do thiếu hiểu biết pháp luật. Nhiều cặp đôi rất trẻ chọn khách sạn làm điểm đến mà không hề biết rằng mình chưa đủ tuổi được pháp luật cho phép tự do quan hệ tình dục. Trong khi đó, chủ nhà trọ, khách sạn cũng thờ ơ, miễn sao có khách thuê phòng. Điều đó vô tình tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Ông Nguyễn Minh Chánh (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM) cũng cho rằng người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là do không nhận thức được hành vi của mình. Các cơ quan tố tụng nếu không đánh giá nhận thức của các em để cải tạo cho phù hợp mà cứ áp dụng pháp luật một cách quá nguyên tắc thì chưa chắc đã có tác dụng trong phòng ngừa tội phạm.

Nên bớt xử tù người chưa thành niên ảnh 1

Người phạm tội chưa thành niên ngày càng gia tăng. Ảnh: HTD

Theo ông Vũ Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ 1A VKSND Tối cao, trường hợp yêu nhau rồi sinh con đẻ cái và sống hạnh phúc bên nhau nhưng sau đó một người bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm trẻ em hay giao cấu với trẻ em… thì thật sự là điều chua xót. Vì vậy cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận biết được hành vi nào là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng cũng cần xử lý một cách hợp tình, hợp lý trong trường hợp người phạm tội do thiếu hiểu biết.

Coi chừng ra tù thành… người xấu

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), pháp luật hiện nay còn mang nặng hình thức trừng trị hơn là giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo ông, nếu áp dụng hình phạt tù thì khi ra tù chưa chắc các em đã hoàn lương mà rất dễ lây nhiễm thói hư, tật xấu của người lớn khi ở trong tù.

Kiểm sát viên Lê Anh Minh kiến nghị cần mạnh dạn áp dụng hình thức cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội. Các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp này có hiệu quả đối với trẻ em lang thang, không nhà không cửa. Cần có trại thi hành án riêng đối với người chưa thành niên phạm tội để vừa cải tạo vừa giáo dục dạy nghề. Thậm chí cần phải tính cả tới việc có tòa án riêng chuyên xét xử người chưa thành niên phạm tội.

Ở một góc độ khác, ông Hà Phước Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng việc xác định chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội là hết sức nhân văn. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội và điều kiện thể chất bây giờ cũng đã khác xa so với thời điểm quy định. Vì vậy, nên chăng cần phải xác định lại độ tuổi nào là thành niên và chưa thành niên bằng một nghiên cứu khoa học cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng cần tăng việc áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, tránh phạt tù và đưa vào giáo dưỡng. Cạnh đó, vai trò cán bộ xã hội vẫn chưa được thừa nhận khi vào thăm người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy nên có cơ quan giám hộ để giúp các em nhiều hơn trong việc hòa nhập với cuộc sống sau khi phạm tội.

Còn quy định chung chung

Liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, có đại biểu chỉ ra những quy định còn chưa cụ thể.

Chẳng hạn khoản 2 Điều 69 BLHS quy định: Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Cụm từ “gây hại không lớn” trong điều luật rất mơ hồ và không thể xác định được là lớn hay không lớn nếu đó là tổn hại về tinh thần. Ngoài ra, điều luật quy định tùy nghi là “có thể được miễn trách nhiệm hình sự” nên các cơ quan tố tụng hầu như không dám mạnh dạn áp dụng.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm