Có điều là hầu hết các giải của các quốc gia châu Á vào thời điểm giai đoạn 2, tức tháng 6, cũng là lúc đang diễn ra. Vậy nếu V-League thuê “vua ngoại” thì có chất lượng hay không bởi các quốc gia cũng phải ưu tiên trọng tài giỏi cho giải đấu của mình trước đã.
Lâu nay V-League chủ yếu mời các trọng tài Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… sang điều khiển. Với giới trọng tài Việt Nam thì có vẻ như đang khủng hoảng thiếu. Nhiều trọng tài Việt Nam bị dính án kỷ luật, kể cả các trọng tài “cứng cựa”. Còn trọng tài trẻ thì chưa đủ kinh nghiệm và bản lĩnh xử lý. Có một thực tế là các mùa gần đây, những trọng tài được xem là “cứng” cũng mắc lỗi hàng loạt…
Bên cạnh đó là việc các đội đang bị nhiễm kiểu ám ảnh dây chuyền cùng bệnh đổ thừa. Những vòng đấu gần đây, cứ mỗi lần trọng tài đưa ra quyết định nào đó thì nhiều cầu thủ đi theo đôi co và có thái độ bất phục trọng tài. Ngay cả việc họ phạm lỗi rành rành ra đó nhưng khi trọng tài tuýt còi thì họ vẫn phản ứng quyết liệt. Đáng buồn hơn là trong sân như thế rồi, bên ngoài ở khu kỹ thuật cũng vậy.
Lạ ở chỗ cũng những lỗi lầm tương tự nhưng nếu là trọng tài ngoại thì cầu thủ và lãnh đạo đội bóng lại không dám phản ứng kiểu đó. Chẳng hạn như trọng tài Ngọc Châu bắt tình huống phạt đền khi Đình Luật trong trận TP.HCM tiếp Sanna Khánh Hòa là hoàn toàn chuẩn xác. Hay việc trọng tài Nguyễn Trọng Thư trước đây từng tuýt còi chỉ tay vào chấm 11 m qua trận TP.HCM - Long An ngày 19-2 cũng đâu có sai. Thế mà họ vẫn bị phản ứng rất quyết liệt và bị làm dữ, bị gây áp lực…
Để V-League bớt “chợ” thì điều quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp của các đội, từ lãnh đạo xuống đến cầu thủ và cả những nhà điều hành, những nhà tổ chức phải chuyên nghiệp thực thụ.