“Trọng tài Việt Nam giỏi nhất thế giới”!

Ông cựu trọng tài nói làm trọng tài ở Việt Nam khó cũng không sai vì đặc thù của bóng đá Việt Nam buộc các trọng tài ngoài mắt tinh, di chuyển tốt, phán đoán tình huống giỏi còn phải “ngửi” giỏi.

Có lần tôi hỏi một trọng tài kỳ cựu rằng giữa việc làm nhiệm vụ một giải quốc tế do FIFA điều hành và một giải bóng đá trong nước do VFF tổ chức thì cái nào khó hơn thì ông này nói ngay: “Làm giải quốc tế đã hơn nhiều vì cứ ra sân là làm thẳng thắn còn giải của ta thì phải “ngửi” được nhiều thứ”.

Chuyện “ngửi” của trọng tài Việt Nam nằm ở chỗ các đội nhiều khi đá với nhau trên bàn trước còn trên sân chỉ là cụ thể hóa cái chuyện đá thỏa thuận sao cho đừng lộ. Ngoài ra một trọng tài giỏi cần phải “ngửi” được cả mùi tiền mà đội bóng này (hoặc nhóm cầu thủ) nhằm để phục vụ cho những canh bạc ngoài sân cỏ hoặc để hưởng đồng tiền bẩn từ cách chung chi ngoài luồng của đội khác.

Chính các ông thầy đang gõ đầu trọng tài cũng hay dặn đi dặn lại đội ngũ trọng tài chuyện “ngửi” trận đấu để không vướng vào chứ không phải “ngửi” để làm theo kịch bản.

Các trọng tài kỳ cựu từng than thở cầu thủ và cả lãnh đạo các đội bóng bây giờ rất quái. Họ bắt tay làm thế nhưng lại muốn “đánh bùn sang ao” bằng cách tìm lỗi của trọng tài để có cớ mà lớn tiếng: “Chúng tôi “chết” vì trọng tài!”.

Đổ cho trọng tài là dễ phi tang nhất những cái bắt tay những thỏa thuận tiêu cực.

Đấy là lý do lịch sử bóng đá Việt Nam thường có cảnh biết rằng luật cấm kiện những tình huống đấy nhưng nhiều đội vẫn cứ làm lớn, vẫn cứ nộp tiền kiện và sẵn sàng mất tiền để đẩy dư luận theo hướng “Bớ làng nước ơi, trọng tài giết đội tôi!”.

Chuyện này tôi tin chắc những người điều hành bóng đá Việt Nam biết nhưng họ thường không can dự vào chuyện lừa lọc trên sân cỏ và chuyện đánh lạc hướng dư luận trừ khi công an vào cuộc như vụ bảy đội móc ngoặc mùa 1997 hay mua bán tập thể năm 2005.

Bóng đá Việt Nam chưa giỏi về chuyên môn nhưng những tiểu xảo đặc biệt ở giai đoạn cuối những mùa bóng thì rất tinh vi buộc các trọng tài phải “ngửi” được để tránh bị “đánh bùn sang ao”.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm