Tọa đàm về công tác truyền thông của ngành y tế chiều nay, 14-6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết cho biết cơ quan này đang chuẩn bị tham mưu cho Chính phủ tuyên bố chấm dứt tình trạng dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, hướng dẫn chuyên môn chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A hiện tại sang nhóm B sẽ được Bộ Y tế ban hành. Lúc ấy, người mắc COVID-19 sẽ tương tự như mắc cúm, khi vào bệnh viện điều trị sẽ không được ngân sách nhà nước chi trả, mà phải áp dụng theo chế độ chung bảo hiểm y tế.
"Chuyển về thay đổi trong thanh toán chứ phác đồ và phương thức điều trị vẫn như bình thường" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự buổi toạ đàm - trao đổi về truyền thông y tế |
Giải thích kỹ hơn về mặt chuyên môn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, khi chuyển từ nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc phân loại quản lý sẽ dựa trên bệnh học là chủ yếu.
Nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm A, việc quản lý sẽ nặng về các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội.
Nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham dự chống dịch. Còn khi sang nhóm B thì chủ yếu là ngành y tế triển khai.
Dự kiến trong tháng 6 này, Thủ tướng sẽ ký công bố hết hiệu lực Quyết định 447/QĐ-TTg ban hành ngày 1-4-2020 về công bố dịch COVID-19. Cùng lúc Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn về chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Liên Hương
Thông tin tại cuộc toạ đàm, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết Bộ đã hoàn thiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 phù hợp tình hình các địa phương.
Cùng đó, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch. Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm. Tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại các cơ sở y tế, cộng đồng.
Cơ quan chuyên môn sẽ rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị, quản lý bệnh nhân COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phù hợp với tình hình mới. Triển khai tiêm vaccine là một trong những hoạt động tiêm chủng thường xuyên...
Ở cấp độ địa phương, các tỉnh thành sẽ rà soát tình hình dịch trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Trong đó, tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vaccine.
Tổ chức tập huấn, đào tạo thường xuyên cho cán bộ y tế về dịch tễ học, xử lý ca bệnh, tiêm chủng, điều trị, truyền thông.
Trước đó, ngày 3-6, tại Phiên họp thứ 20, căn cứ với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.