“Giỗ tổ Hùng Vương thuộc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, được nâng lên thành thờ cúng tổ tiên của dân tộc. Điểm đặc sắc của giỗ tổ không phải là giỗ tổ tiên của một gia tộc, một dòng họ mà cho một quốc gia, một dân tộc. Các quốc gia khác gốc gác thường thờ tự một loài vật có gốc tích xa xưa, có quốc gia thờ gà trống, có dân tộc thờ đại bàng nhưng dân ta sáng tạo ra huyền thoại và thờ huyền thoại đó như tổ tiên của người dân chung của một quốc gia” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.
. Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng huyền thoại như ông nói ở trên có ý nghĩa như thế nào?
+ Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Việc xây dựng huyền thoại để chứng tỏ có một cội nguồn chung có ý nghĩa là nhằm xây dựng tinh thần gắn kết giữa những người trong một quốc gia, để đoàn kết lại, để khẳng định sự độc lập và trường tồn của quốc gia đó.
. Năm nay, tình trạng quá tải tại giỗ tổ Hùng Vương vẫn tái diễn, thậm chí có xu hướng ở mức cao hơn, theo ông, nguyên do từ đâu?
+ Một lễ hội như vậy thường có tính gắn kết cộng đồng, cộng thêm lòng thành kính muốn đến chỗ thiêng, đồng thời đối với văn hóa nước ta thì trong từng người một tính mê tín cao lắm, đến để cầu may, cầu bổng lộc. Mỗi mê tín nhỏ lẻ thì chưa là vấn đề gì hết, tập hợp một triệu người với một triệu ý đồ mê tín sẽ tạo thành một sự bùng nổ. Đừng nghĩ tôi, anh hay người khác không mê tín nhưng tích tụ vào một thời điểm nó sẽ bùng nổ, sự bùng nổ là tác hại của sự mê tín đó.
Trẻ em và người già bị chèn ép trong đám đông hỗn độn. Ảnh: TTXVN
Một số người dân vô ý thức đã trèo qua tường ngay trước cổng đền Hùng. Ảnh: TTXVN
Làm thế nào để khoa học thắng mê tín, tính nhân văn, thực tiễn thắng mê tín vô cùng khó khăn. Bởi vì con người là vô cùng phức tạp và phong phú. Tôi tưởng tượng đến một sự tập trung và trong đó các yếu tố tiêu cực rất nhiều. Điều này có sự tác động của môi trường xã hội, cuộc sống tạo thuận tiện cho con người thực hành những việc mà họ mong muốn. Ngày xưa khi bom đạn chiến tranh, có ai nghĩ đến việc đó đâu.
. Vậy chúng ta phải chấp nhận, làm quen dần với những yếu tố đó?
+ Theo tôi thì nhà khoa học luôn phải vượt qua mê tín, xóa bỏ nó. Tín ngưỡng như gia vị cuộc sống. Coi trọng tín ngưỡng nhưng phải xóa bỏ mê tín, đó là tư duy của một con người khoa học.
Kỷ lục phản cảm
. Năm nay, việc chiếc bánh chưng khổng lồ được cung tiến tại lễ giỗ tổ cũng tạo ra nhiều dư luận khác nhau, ông nghĩ gì về việc này?
+ Tôi thấy việc cung tiến kỷ lục là muốn đạt đến sự hoành tráng, tự khẳng định mình cũng là ước muốn của bất cứ ai. Nhưng ước muốn đó phải dựa trên sự phù hợp với tính chất của các lễ hội và đặc biệt phải phù hợp với điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa chứ không hoành tráng bằng mọi cách. Nếu hoành tráng mà tham, sân, si thì hoành tráng như vậy là phản cảm.
. Đối với chiếc bánh được cung tiến thì theo ông có ảnh hưởng như thế nào?
+ Ở đây có thể hiểu tôi thích làm một cái bánh thật to nhưng tôi không tính đến bánh đó có thể gây nên cướp giật, gây ra lãng phí, phản cảm khác, chưa kể vấn đề vệ sinh thực phẩm, quảng bá hình ảnh không đúng. Hơn nữa, các kỷ lục của ta thường là kỷ lục về số lượng, thô sơ, trong khi đó kỷ lục về sự sâu sắc, tinh tế, nhân phẩm… mới hướng đến chân thiện mỹ.
Hai triệu người về dự lễ trong ngày 16-4 Ngày 16-4, bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, cho hay trong ngày 16-4 đã có khoảng hai triệu người về dâng hương giỗ tổ Hùng Vương. Cũng theo bà Hương, trong ngày này không có trẻ em nào thất lạc, không có tai nạn xảy ra, những người bị ngất đều được chăm sóc y tế kịp thời, tuy nhiên bà Chinh không đưa ra con số cụ thể. |