Trọng trách

Ðất nước độc lập và thống nhất đã hơn 38 năm, nền kinh tế vẫn tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp. Trong khi đó, động lực phát triển đặt ra đòi hỏi gay gắt đến mức sống còn một mô hình phát triển mới. Tăng trưởng theo mô hình cũ chỉ còn là sự triệt tiêu những thành quả đã đạt được, nhưng chuyển sang mô hình mới áp dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại lại quá sức chúng ta. Khoa học công nghệ chưa là động lực, nền tảng thúc đẩy sự phát triển. Chúng ta đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao. Khoảng cách giữa nước ta với các nước cùng khu vực ngày càng xa. Ta tiến một bước, thiên hạ tiến hai, ba bước. Ngày nay đất nước lớn hay nhỏ tùy thuộc vào các thương hiệu. Các công ty Việt Nam vẫn chưa có tên trong 500 công ty và 500 thương hiệu uy tín nhất thế giới. Mở rộng lên 2.000 công ty lớn nhất thế giới cũng chưa có Việt Nam. 200 trường đại học hàng đầu châu Á không có Việt Nam trong khi Nhật có 56 trường, Hàn Quốc có 42 trường, Ấn Ðộ có 12 trường, Thái Lan có 7 trường.

Chẳng lẽ cứ đổi mới nửa vời, chiếu lệ, bên trong vẫn đậm đặc bao cấp?

Quốc tang Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã quy tụ toàn dân!

Không có một lời kêu gọi nào, không có một cuộc vận động nào, nhân dân cả nước đã sát cánh bên nhau tìm đến mọi nơi có bàn thờ Ðại tướng để kính viếng và tiễn đưa người anh hùng vĩ đại của mình. Trong đau thương, nhân dân ta càng mạnh, muôn người một lòng một dạ, khối đại đoàn kết hòa hợp dân tộc vẫn nguyên vẹn hơn bao giờ hết. Một người nằm xuống đã thức tỉnh cả dân tộc để cùng nhau suy ngẫm, chiêm nghiệm. Chính trong những ngày quốc tang, nhiều người đã cùng tâm trạng, băn khoăn, day dứt, nhân dân ta đã đoàn kết như vậy, vững vàng như vậy, tốt như vậy, tại sao ta lại thua kém, thua kém về mọi mặt mới đau. Ðịa phương nào, bộ ngành nào, lĩnh vực nào cũng có người tài đức, có năng lực quản lý đất nước (dù vẫn không ít người tài kém, đức kém lại có chức, có quyền). Ðất nước ta từ bao đời vẫn có tiếng nghìn năm văn hiến, hào kiệt không bao giờ thiếu. Từ thế kỷ 14 ông cha ta đã khắc vào bia đá lời căn dặn tâm huyết nhất đặt tại Văn Miếu, trường đại học đầu tiên, được giữ đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.

Hiền tài không được tin dùng thì thế nước yếu, xưa như thế, còn nay? Năm 2009 báo cáo phát triển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Riêng về khoa học công nghệ, Hàn Quốc vượt Việt Nam 50 năm.

Ảnh: HỮU LUẬN - QUỐC THANH - H.T.D

Chúng ta không thể không hổ thẹn khi đã tụt hậu rất xa so với các nước về thực thi pháp luật, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nếp sống và đạo đức xã hội, khoa học công nghệ. Kỷ cương phép nước cho đến nay vẫn rất thiếu trách nhiệm cá nhân. Kỷ cương phép nước nghiêm minh là tiêu chuẩn hàng đầu của một nước văn minh, hiện đại. Kỷ cương phép nước và trách nhiệm cá nhân tuy hai mà một vì đối với một nhà nước, không có trách nhiệm cá nhân thì làm gì còn kỷ cương phép nước. Thực đáng lo vô cùng khi “công của tôi, tội của chúng ta” lại là nếp sống đã quen ở các cơ quan, công sở. Không còn đếm được mấy chục năm qua bao nhiêu lãnh đạo để địa phương hoặc bộ ngành mình xảy ra tiêu cực lớn đáng lẽ phải từ chức hoặc bị cách chức nhưng trách nhiệm cá nhân không rõ nên vẫn an toàn tại chức và “đến hẹn lại lên” tiếp tục lên chức.

Không có trách nhiệm cá nhân đã gây tổn thất hết sức nặng nề cho đất nước. Ðến kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII vừa qua càng thấy đất nước không tụt hậu, không thua kém thiên hạ thì mới lạ. Ðầu tư công là lĩnh vực lãng phí, tham nhũng nhiều nhất. Khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Ðầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh cho biết địa phương nào cũng có dự án xây dựng, bất cần dự án ấy có cần thiết hay không. Có không ít dự án đầu tư vượt nhiều lần khả năng sử dụng, vẽ đường cho lớn ra, vẽ cầu cho to ra, vẽ cảng biển, sân bay cho hoành tráng ra, ông có trụ sở như cung điện thì tôi cũng có xây cung điện làm trụ sở. Cả nước cùng kịch bản như nhau dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 42.000 tỷ đồng. Ðịa phương thiếu vốn nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng, cả một hệ thống kinh tế bị các dự án xây dựng “thừa giấy làm gì chẳng vẽ voi” bắt làm con tin. Có dự án dở dang, có dự án làm xong để đấy, có dự án nhỏ lại làm rất lớn thất thoát tiền tỷ tỷ nhưng đề nghị xây bệnh viện lại kêu đào đâu ra tiền. Ở mỗi tỉnh, thành, lãng phí vào các công trình xây dựng đủ tiền xây dựng vài bệnh viện 1.000 giường.

Một vấn đề cấp thiết lại được đặt ra: Trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết các địa phương, các bộ có kiểm điểm về trách nhiệm nhưng chỉ nhận trách nhiệm chung chung, rất ít người nhận trách nhiệm cá nhân. Bộ trưởng đã kể tại Quốc hội: “Một người mới lên làm chủ tịch tỉnh muốn để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình nên phải làm đại lộ xuyên qua thành phố hoành tráng, phải giải phóng mặt bằng, đập biết bao nhà cửa, riêng tiền giải phóng mặt bằng đã phải chi mấy nghìn tỷ đồng nhưng làm đường chỉ mất có trăm tỷ. Hay như việc làm tượng đài cả nghìn tỷ đồng giữa đồng không mông quạnh, lãng phí vô cùng. Chuyện nghe như cổ tích nhưng đang có thật, suốt ngày tôi phải chịu áp lực vì chuyện này”.

Là người trong cuộc, Bộ trưởng nắm rất chắc lãng phí là bao nhiêu và ông đã không ngại nói trước Quốc hội rằng nếu không khắc phục được những lãng phí này, sẽ đưa đất nước đến bờ vực thẳm. Ông cũng nói rằng ta tụt hậu nhưng là tụt hậu nhanh, không những tụt hậu với Singapore, Malaysia mà còn tụt hậu với Campuchia và Lào. Nghe báo cáo lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không ai chịu trách nhiệm”.

Xử lý rất khó vì còn những vụ lãng phí tày trời đã xử lý nổi ai đâu. Tập đoàn Vinashin, rồi đến tập đoàn Vinalines thua lỗ, nợ nần lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, chỉ mới xử lý những người đứng đầu tập đoàn. Không thể gây tổn thất quá lớn như vậy nếu không có sự buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở, thậm chí tiếp tay của các cơ quan quản lý ở cấp cao hơn. Vậy nhưng cho đến nay không thấy cấp cao nào từ chức hoặc bị cách chức.

Bác Hồ ngồi khâu chiếc khuy áo đứt ra, anh em phục vụ đòi thay áo mới cho Bác. Bác từ chối, Bác nói: “Chủ tịch nước mà biết mặc áo vá là có phúc cho dân”. Câu nói này Bác không chỉ nói với anh em phục vụ, họp ở Trung ương Bác Hồ cũng nói. Trọn đời Bác tiết kiệm, Bác thương dân, tại sao hiện nay Ðảng đang tổ chức cuộc vận động học tập noi theo gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà lại có những lãnh đạo lãng phí khủng khiếp, hủy hoại mồ hôi, công sức của nhân dân không hề biết thương tiếc?

Một nỗi lo lắng day dứt khôn nguôi: Không có trách nhiệm cá nhân, bộ máy Ðảng và Nhà nước ngày càng dễ có những lãnh đạo đã suy thoái về đạo đức, lối sống. Những người ấy thực sự là những tên nội xâm, dễ đưa con tàu đất nước không còn đi theo hướng của người cầm lái.

THÁI DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm