Người thầy thuốc, Y đức và “đầu vào y khoa”

xã hội có nhiều biến động, y học tiến bộ không ngừng, quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân có nhiều thay đổi nhưng người thầy thuốc vẫn là người thầy thuốc. Anh ta được sinh ra, được làm nghề y vì cái nghiệp của mình, cái “vocation”, cái “thiên hướng” của mình! Cho nên Người thầy thuốc dù ngày xưa được coi là phù thủy, quan đốc, đại phu hay ngày nay được coi là người cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe” (health care provider) gì đi nữa thì anh ta cũng phải luôn đứng trước lương tâm.

Trong tên gọi “Người thầy thuốc” đó đã gồm: Người + Thầy + Thuốc. “Người” thì có nhân đạo. “Thầy” thì có nhân đức. “Thuốc” thì có nhân thuật. Nhân đạo, nhân đức, nhân thuật hợp lại mới thành… “y đức”. Không có nhân đạo, nhân đức thì còn lâu mới có y đức. Cho nên y đức là chuyện không dễ. Không chỉ được đào tạo, dạy dỗ ở trường y mà phải “gieo trồng” từ hồi niên thiếu, từ trong gia đình, từ môi trường xã hội. Dĩ nhiên trường y có trách nhiệm lớn. Cho nên khi ra trường, hành nghề, người thầy thuốc bị ràng buộc bởi những luật lệ rất nghiêm gọi là nghĩa vụ luận y khoa (déontologie médicale) và có hẳn một tổ chức để “quản lý” nghề nghiệp về mặt y đức cũng như bảo vệ uy tín cho ngành y (y sĩ đoàn, ordre des médecins).

Có những nguyên tắc chung hay còn gọi là những giá trị cơ bản của y đức (phổ quát trên toàn thế giới) được dạy ở các trường y. Nhưng y đức không thể chỉ dạy lý thuyết suông mà cần có những tấm gương, những bài học thực tiễn từ cuộc sống, những trải nghiệm trong hành nghề, trong giao tiếp ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với cộng đồng.

Sinh viên đang thực tập tại một trường đại học ở Pháp. Ảnh: iNTERNET

Những vấn nạn (dilemma) về y đức đang tiếp tục được tranh luận cũng còn nhiều như vấn đề an tử (Euthanasia), điều trị phù phiếm, phá thai, thụ tinh nhân tạo, can thiệp di truyền, cấy ghép tạng, thử thuốc lâm sàng, truyền thông sai lạc…

Bây giờ,  khi mà y khoa có nguy cơ “hướng về đồng tiền” (money-driven medicine, một phim tài liệu gần đây của Mỹ báo động) thì người ta đã đưa lại lời thề Hippocrates vào trường y, lập ra Hiến chương y nghiệp (Professionalism Charter), đề ra những y luật chặt chẽ và đặc biệt chọn “đầu vào y khoa” rất kỹ.

Tại Mỹ, Canada, đa số các trường y khoa đào tạo bác sĩ sau cử nhân. Thí sinh buộc phải có chứng chỉ MCAT (Medical College Admission Test) cùng một số điều kiện khác như điểm học lực, giấy giới thiệu, năng khiếu hoạt động ngoại khóa (thể thao, văn nghệ…) và phải qua một cuộc phỏng vấn để sàng lọc. MCAT gồm vật lý, hóa học, sinh học và một trắc nghiệm nhằm đánh giá khả năng suy luận, giải quyết tình huống của thí sinh; cùng một bài luận văn để đánh giá kỹ năng viết, bình luận, nhận định về một hoặc hai chủ đề cho sẵn. MCAT như vậy không chỉ nhắm đến khảo sát kiến thức các khoa học liên quan đến ngành y mà đặc biệt chú trọng đến các năng lực khác của người thầy thuốc tương lai.

Tại Singapore, ngoài hệ đào tạo bác sĩ sau cử nhân, đòi hỏi phải có MCAT như trên thì hệ đào tạo sau phổ thông (tú tài) cũng sàng lọc đầu vào rất chặt chẽ. Không chỉ dựa vào học lực hàn lâm, điểm của các môn sinh học, vật lý, hóa học mà còn xem xét nhiều khía cạnh khác. Ngoài các môn sinh, lý, hóa phải đạt điểm A, thí sinh phải qua hai đợt phỏng vấn, một của hội đồng khoa nhà trường và một của nhóm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên đàn anh. Phỏng vấn viên được chọn lựa, tập huấn kỹ để cuộc phỏng vấn trung thực và chất lượng. Trước đó thí sinh phải nộp một bộ hồ sơ gồm hai giấy giới thiệu, bản cam kết, một lý lịch hoạt động ngoại khóa. Thí sinh còn phải viết một bài luận văn về một đề tài tại chỗ trong vòng 45 phút để đánh giá trình độ nhận thức, kỹ năng diễn đạt của họ.

Hơn nửa thế kỷ trước (năm 1962), tôi thi vào Y khoa Ðại học đường Sài Gòn. Hồi đó y khoa học bảy năm, ra trường với luận án Tiến sĩ y khoa quốc gia (Doctorat en Médecine, Diplôme d’État) và lời thề Hippocrates. Muốn hành nghề phải vào y sĩ đoàn và tuân thủ nghĩa vụ luận y khoa nghiêm nhặt. Thi vào không dễ, đậu khoảng 10%. Ngoài các môn thi lý, hóa, sinh, sinh ngữ còn có môn “kiến thức tổng quát” với 20 câu hỏi: Ai là ông tổ y khoa thế giới? Ai là ông tổ y khoa Việt Nam? Người thầy thuốc nổi tiếng thời Tam Quốc tên gì? Người thầy thuốc nổi tiếng thời Ðông Chu tên gì?, rồi các câu hỏi về âm nhạc, hội họa, sử địa còn có hai câu đặc biệt: “Giá gạo trên thị trường bao nhiêu một ký?”, “Giá than trên thị trường bao nhiêu một ký?”...

Các trường y khoa của nước ta hiện nay thi tuyển sinh chỉ dựa vào một kỳ thi có ba môn là toán, hóa, sinh. Hai môn hóa và sinh “ai cũng như ai” nên chỉ hơn thua nhau chủ yếu ở môn toán. Có thể nói chỉ những ai giỏi toán mới dễ đậu vào y khoa vậy.

Ðã đến lúc coi lại “đầu vào” khi tuyển sinh đào tạo người thầy thuốc tương lai chăng?

BS ĐỖ HỒNG NGỌC

Các nguyên tắc chung hay còn gọi là giá trị cơ bản của y đức

Beneficence: Làm điều có lợi nhất cho bệnh nhân

(Primum non nocere), “First, do no harm”: Trước hết, không làm điều có hại 

Autonomy: Tôn trọng sự tự chủ 

Confidentiality: Bảo mật

Justice: Công minh.

Non-discrimination: Không kỳ thị, phân biệt đối xử

Dignity: Tôn trọng nhân phẩm 

Informed Consent: Thỏa thuận với thông tin đầy đủ

Telling the truth: Nói sự thật

Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công/ Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu…/ Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại…

(Trích Lời thề Hippocrates)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm