Trực thăng chữa cháy: Cần là có nhưng khó dập lửa

Sáng nay (16-8), cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Một trong những nội dung được nhận được nhiều ý kiến là việc đầu tư trang thiết bị cho công tác PCCC. 

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga.

Có xe cứu hỏa phải gọi bằng “cụ”

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho hay giai đoạn 2014-2018, ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và Cứu nạn, Cứu hộ khoảng 8.341 tỉ đồng, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, canô chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ…

Số lượng phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. “Tỉ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế” -ông Việt nói.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga thì dẫn chứng “Thực tế đi giám sát tại Hải Phòng, Quảng Ninh…, Đoàn giám sát phát hiện có những xe chữa cháy phải gọi là “cụ” chữa cháy vì được sản xuất từ những năm 70. Có xe đang chạy nửa đường thì chết máy”.

Theo đó, bà Nga cho rằng nếu sử dụng những trang thiết bị lạc hậu này để PCCC thì không đáp ứng được yêu cầu. Cần phải đầu tư cho công tác PCCC vì “bảo làm rất tốt nhưng tiền (đầu tư trang thiết bị) là không có”.

Trực thăng chữa cháy không hiệu quả

Trước thực trạng này, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại vì với phương tiện cũ, lạc hậu như vậy sẽ không đảm bảo yêu cầu PCCC cho các nhà cao tầng, trung tâm thương mại đông dân cư.

“Hơn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không hiểu khi xảy ra cháy nhà, chết người thì trách nhiệm thuộc về ai” - ông Thanh nhấn mạnh. Ông cũng nêu câu hỏi với trường hợp nhà cao tầng, trung tâm thương mại xe thang không đến được thì có dùng trực thăng chữa cháy được không?

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định không thể có xe thang nào có thể cao đến hết các tầng được. Cho nên chính các nhà cao tầng phải có tầng chống cháy mới giải quyết được vấn đề khi xảy ra cháy.

Về vấn đề sử dụng trực thăng để chữa cháy, ông Tỵ thông tin: “Trực thăng không phải không có, khi cần, quân đội sẵn sàng huy động ngay. Tôi đã trực tiếp chỉ đạo dùng trực thăng một lần rồi, không giải quyết được gì cả”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Ông cho hay năm 2010, khi cháy ở Phanxipang, Bộ Quốc phòng đã thử huy động trực thăng tham ra chữa cháy. Trực thăng xuống hồ ở Sapa múc nước, lên đến nơi, nếu bay thấp thì cháy cả máy bay buộc phải bay cao nhưng khi buông gầu xuống chưa đến một nửa thì nước đã bốc hơi hết rồi, không giải quyết được.

“Dùng trực thăng bao nhiêu thì đáp ứng được nhưng cái chính là có khắc phục được không? Cho nên, có hai vấn đề phải nghiên cứu. Trước hết Bộ xây dựng phải nghiên cứu trong quá trình xây dựng, thiết kế nhất thiết phải có tầng chống cháy. Dùng trực thăng phải dùng hóa chất gì chứ không thể dùng nước được vì không hiệu quả, không ăn thua, mà cũng đã có thực tế rồi” - ông nói.

Theo báo cáo của đoàn giám sát từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỉ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Giai đoạn 2014-2018, lực lượng chức năng đã điều tra đã làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt trên 98.000 trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm