Cuộc điện đàm của Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi ngày 2-12 đã khiến phía Trung Quốc bất bình. Trong tình hình như vậy, ông Trump lại đổ thêm dầu vào lửa khi phê phán Bắc Kinh.
“Trung Quốc có hỏi ý chúng ta khi giảm giá tiền tệ (khiến các công ty của chúng ta khó mà cạnh tranh), khi đánh thuế nhập khẩu nặng nề đối với sản phẩm của chúng ta (Mỹ đâu có đánh thuế họ) hay khi xây một cơ sở quân sự khổng lồ giữa biển Đông không? Tôi không nghĩ vậy đâu!” - Trump viết trên Twitter.
Trước đó, tuy quy trách nhiệm chính cho Đài Loan, Bắc Kinh ngày 3-12 cũng đã gửi kháng nghị ngoại giao tới “phía liên quan tại Mỹ”, hàm ý êkíp của ông Trump, nhấn mạnh chính sách “một Trung Quốc” là nền tảng quan hệ Trung-Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục phê phán Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thế nhưng, Phó Tổng thống đắc cử Pence coi vụ lùm xùm quanh cuộc gọi là “chuyện bé xé ra to”. Ông này cho rằng truyền thông đã làm to chuyện và cuộc gọi này cũng giống như cuộc gọi giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau ngày bầu cử 8-11.
“Tôi muốn nói với phía Trung Quốc rằng đó chỉ là cuộc gọi xã giao. Tổng thống đắc cử từng điện đàm như thế với Chủ tịch Tập hai tuần trước. Đó không phải thảo luận chính sách gì hết” - Pence nói với đài NCB.
Đến lúc này, ông Trump và ông Pence đã có hơn 50 cuộc điện thoại với lãnh đạo các nước. Thế nhưng, theo lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 4-12, chưa lần nào đội chuyển giao quyền lực của ông Trump hỏi ý Bộ Ngoại giao trước khi tiếp chuyện lãnh đạo các nước. “Tôi nghĩ sẽ có ích nếu nhận được thêm vài lời khuyên, dù bạn có làm theo chúng hay không” - ông Kerry nói.
Hiện tại, ông Trump vẫn chưa nêu tên Ngoại trưởng mới sẽ giúp ông trong công tác ngoại giao. Chiếc ghế quan trọng vẫn đang bỏ trống.