“Phát triển quan hệ Trung-Mỹ qua xây dựng quan hệ ngoại giao đã chứng minh lợi ích chung giữa hai nước phải vượt trên các bất đồng”.
Kissinger đã tuổi già sức yếu (93 tuổi) nhưng vẫn thân chinh đến Bắc Kinh yết kiến ông Tập thì cuộc yết kiến này không phải ngẫu nhiên xảy ra. Kissinger nổi tiếng là người thân Trung Quốc. Trung Quốc đã cảm thấy bất an với các chính sách có thể sẽ thay đổi dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump nên mong muốn qua trung gian của Kissinger bắn tiếng duy trì quan hệ với chính quyền mới ở Mỹ.
Thế nhưng nỗ lực của Trung Quốc đã không được trọn vẹn. Ngày 2-12 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm ngắn ngủi với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã ghi nhận các quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và an ninh giữa Mỹ và Đài Loan.
Báo chí quốc tế đã gọi đây là cuộc điện đàm lịch sử vì là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa một tổng thống mới đắc cử Mỹ (chưa nhậm chức) với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979. Cuộc điện đàm tuy ngắn nhưng hậu quả rất tai hại vì đã phủ nhận chính sách ngoại giao của Mỹ thực hiện lâu nay với Trung Quốc đại lục và lãnh thổ Đài Loan.
Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã trở nên lạnh giá sau khi bà Thái Anh Văn, người của đảng Dân chủ tiến bộ, lên cầm quyền vào tháng 5-2016. Trái ngược với chủ trương của Quốc dân đảng cầm quyền trước đó, bà Thái Anh Văn không thừa nhận “Đồng thuận 1992” quy định chỉ có “một Trung Quốc” vốn đã được hai bờ eo biển Đài Loan đồng ý. Hậu quả là Bắc Kinh đã cắt đứt các kênh liên lạc chính thức với Đài Loan.
Về phần Mỹ, trong thập niên 1970 Mỹ đã thừa nhận chính sách “một Trung Quốc” sau cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Richard Nixon với Chủ tịch Mao Trạch Đông (có công lao dàn xếp của Henry Kissinger). Đến năm 1979, Mỹ đóng cửa sứ quán ở Đài Loan, Đài Bắc và Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao. Từ đó Mỹ vẫn duy trì chính sách “một Trung Quốc”.
Vì lẽ đó, sau cuộc điện đàm tai hại giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Nhà Trắng đã phải lên tiếng phân trần. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne tuyên bố: “Không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách lâu dài của chúng tôi… Chúng tôi vẫn kiên trì duy trì chính sách “một Trung Quốc””.
Trong bối cảnh tế nhị khi mà ông Trump vẫn chưa chính thức công bố chính sách của chính quyền mới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dù phản ứng với cuộc điện đàm nhưng cố tránh đụng chạm đến Mỹ. Ông cho rằng đây chỉ là thủ đoạn do Đài Loan giật dây và điều này không làm thay đổi nguyên tắc “một Trung Quốc”. Ông khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ làm thay đổi chính sách Mỹ đã thực hiện nhiều thập niên qua”.