Trừng phạt của Mỹ thúc Trung Quốc mạnh hơn về công nghệ?

(PLO)- Một tác động không ngờ của các đòn trừng phạt từ Mỹ là vô hình trung đẩy mạnh hơn quá trình tự chủ công nghệ ở Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post ngày 12-4 dẫn bài viết mới của nhà nghiên cứu Châu Tấn thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc (TQ) khẳng định Bắc Kinh cần nhanh chóng và hiệu quả tiến tới tự chủ công nghệ, nhất là công nghệ quân sự, vì các đợt trừng phạt từ phương Tây có thể sẽ khiến “việc bắt chước các công nghệ phương Tây” không thể tiếp tục được nữa.

Theo ông Châu, “về cơ bản, chúng ta đã tự phát triển được tất cả thiết bị sản xuất”, tuy nhiên cần phải tự chủ càng sớm càng tốt các lĩnh vực “còn thiếu sót” như tự chủ nguồn nguyên liệu thô, tự sản xuất bộ phận thiết yếu và các sản phẩm cơ điện cơ bản khác nhau.

Trên thực tế, số liệu thu thập được chỉ ra TQ đang rất nỗ lực để đạt được sự tự chủ công nghệ trên hàng loạt lĩnh vực để đối phó với các lệnh cấm vận ngày càng dày đặc từ Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc điều tra các sản phẩm của Công ty bán dẫn Micron Technology (Mỹ) nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia”. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc điều tra các sản phẩm của Công ty bán dẫn Micron Technology (Mỹ) nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia”. Ảnh: REUTERS

Công nghệ Trung Quốc chuyển mình trước áp lực từ Mỹ

Đầu tháng 4, diễn đàn khoa học và công nghệ TQ công bố nghiên cứu do một nhóm chuyên gia thuộc ĐH Tây An (TQ) thực hiện, theo dõi mức ảnh hưởng của các đòn cấm vận công nghệ của Mỹ đối với TQ giai đoạn 2010-2020.

Theo nghiên cứu, các biện pháp trừng phạt của Mỹ tác động khác nhau giữa ngành với ngành ở TQ. Các công ty trong ngành điện tử, truyền thông, máy tính bị ảnh hưởng nặng nhất và buộc phải tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

“TQ là nước đi sau trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn và vẫn còn tồn tại những điểm yếu trong một số lĩnh vực này. Các sản phẩm thay thế từ TQ vẫn chưa hoàn thiện và sẵn có, các ngành này ở TQ cũng thiếu một số liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng” - nghiên cứu nhận định.

Các chuyên gia cho hay hiện các nước phát triển đã tăng cường hơn nữa việc kiểm soát công nghệ cao. Các doanh nghiệp công nghệ cao của TQ như Huawei đang tích cực hội nhập toàn cầu và đang phải đối mặt với những rủi ro to lớn do các chính sách kiểm soát công nghệ của các nước.

Trong giai đoạn này, số đơn xin cấp bằng sáng chế của TQ tăng trung bình 57,6%, lượng tiền chi cho nghiên cứu và phát triển công nghệ tăng 52,9%.

Mục tiêu của TQ lúc này là xây dựng nên một “pháo đài TQ” - thông qua cơ cấu lại nền kinh tế để có thể vận hành bằng nguồn lực nội tại và nếu cần thiết, có thể chịu được một cuộc xung đột. Không chỉ Mỹ muốn “tách rời” nền kinh tế khỏi TQ, Bắc Kinh cũng muốn bớt phụ thuộc vào phương Tây, nhất là trong lĩnh vực công nghệ - Trung tâm nghiên cứu chính sách Wilson (Mỹ) nhận định.

Dồn toàn lực cho khoa học và công nghệ

Một thông điệp được đưa ra tại hai cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân TQ hồi tháng 3 là khoa học và công nghệ là động lực để đạt được sự phát triển tự chủ và chất lượng cao.

Thủ tướng Lý Cường lưu ý tầm quan trọng của việc tự chủ đổi mới khoa học, công nghệ và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố ủng hộ khoa học khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng Cộng sản TQ hồi năm ngoái.

Cùng với đó là việc công bố thành lập Ủy ban Trung ương khoa học và công nghệ để giám sát các nỗ lực khoa học và công nghệ của đất nước. Ủy ban mới được dự đoán sẽ do chính ông Tập Cận Bình lãnh đạo và sẽ nhấn mạnh ưu tiên ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với sự tự chủ về công nghệ và biến đổi mới trong các công nghệ quan trọng và mới nổi trở thành mục tiêu cốt lõi của nhà nước. Bộ KH&CN sẽ được tái tổ chức để tập trung nhiều nguồn lực hơn nhằm đạt được những bước đột phá quan trọng, với mục tiêu tiến nhanh hơn tới sự tự chủ.

Truyền thông TQ liên tục mô tả các cải cách mới nói trên là phản ứng trực tiếp trước “môi trường bên ngoài đang thay đổi” và áp lực toàn cầu từ các biện pháp trừng phạt công nghệ từ phương Tây, sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh địa chính trị. Các cải cách nhằm hiện thực hóa việc “rút ngắn khoảng cách giữa những người ra quyết định và những người thực thi chính sách” nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực quốc gia để tạo ra “những đột phá trong các ngành công nghệ đang gặp khó khăn”.•

Huawei tuyên bố cứng về tương lai ngành bán dẫn Trung Quốc

Hiện công nghệ bán dẫn là một trong những điểm nóng của cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận và hạn chế xuất khẩu để ngăn các công ty TQ tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Cuối tháng 3, Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu khẳng định ngành công nghiệp chip bán dẫn của TQ sẽ “tái sinh” nhờ các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo hãng tin Reuters.

“Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn của TQ sẽ không ngồi yên mà sẽ nỗ lực tự cường và tự lực. Huawei sẽ hỗ trợ tất cả nỗ lực tự cường và tự lực này để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia” - ông Xu nhấn mạnh.

Gần đây nhất, ông Xu cho biết Huawei đã phát triển thành công các linh kiện phục vụ cho việc sản xuất chip xử lý 14 nm. Thời điểm hiện tại công nghệ nói trên không có nhiều ý nghĩa với Huawei khi mà nhiều doanh nghiệp bán dẫn đang chuyển dần sang chip 3 nm, song theo giới quan sát điều này cho thấy sự tự chủ của Huawei cũng như TQ trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm